Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai
Ngày đăng 16/07/2021 | 15:28  | Lượt xem: 238

Sáng  ngày 15/7/2021, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Võ Thị Ánh Xuân. Dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội và các địa phương còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, lãnh đạo chính quyền địa phương, Ủy ban bầu cử các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp…

Tại điểm cầu quận Bắc Từ Liêm

 

 Tại điểm cầu quận Bắc Từ Liêm có đồng chí Vũ Hà - TUV, Bí thư Quận ủy; đồng chí Lưu Ngọc Hà- Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận; đồng chí Nguyễn Thị Thủy -UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND Quận.

Báo cáo do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày tại hội nghị cho thấy, mặc dù cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân. Song với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân và cử tri cả nước, cuộc bầu cử đã diễn ra thành công rất tốt đẹp, với 69.243.939 cử tri đi bầu, đạt 99,60%.

 Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 01 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 01 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).

 Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Cũng là lần đầu tiên số đại biểu Quốc hội là nữ, là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, cử tri cả nước cũng bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.

 Tham luận tại hội nghị với nội dung “kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác bầu cử nói chung và công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội là địa phương có số đơn vị bầu cử, số khu vực bỏ phiếu và số lượng đại biểu ứng cử Quốc hội, HĐND các cấp lớn nhất cả nước; cũng là địa phương có số người tự ứng đại biểu Quốc hội lớn nhất cả nước.

 Song với tinh thần chủ động, bài bản, sáng tạo, hiệu quả, Thành phố đã tập trung cao độ, vượt qua những khó khăn, thách thức để tổ chức cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp về mọi mặt, bảo đảm đúng luật, an toàn tuyệt đối. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử trên địa bàn Thành phố đạt 99,16% (tăng so với nhiệm kỳ trước là 98,98%), Thành phố không có khu vực bỏ phiếu tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 50%. Thành phố đã bầu đủ 29 đại biểu Quốc hội, 95 đại biểu HĐND Thành phố đảm bảo theo đúng cơ cấu, thành phần với tỷ lệ số phiếu bầu tập trung cao. Bầu được 1.052 đại biểu HĐND huyện, quận, thị xã và bầu 10.593 đại biểu HĐND xã, thị trấn.

 Có được những kết quả trên, Hà Nội rút ra 3 bài học kinh nghiệm lớn, đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy, Ban chỉ đạo bầu cử, Ủy ban bầu cử Thành phố đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố với nhiều cách làm khoa học, bài bản, sáng tạo, linh hoạt, chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; công tác bầu cử đã được triển khai rất sớm từ Thành phố đến cơ sở, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Thành ủy cũng thành lập 15 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chuẩn bị bầu cử gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giải quyết các vụ việc phức tạp trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được phân công phụ trách. Hà Nội cũng huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc...

 Đặc biệt, xác định tầm quan trọng của công tác hiệp thương, trên cơ sở quy định của Luật, các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban Thường vụ Thành ủy đã sớm chỉ đạo xây dựng Đề án dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần giới thiệu tham gia ứng cử.

 Công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được tiến hành chặt chẽ, dân chủ, đúng quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn quy trình hiệp thương, hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã phối hợp Ủy ban bầu cử Thành phố tổ chức nhiều cuộc tập huấn về trình tự, thủ tục các bước của quá trình hiệp thương để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

 Toàn Thành phố đã tổ chức 23.677 hội nghị cử tri nơi công tác và 20.132 hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Các Hội nghị được triển khai nghiêm túc, an toàn đặc biệt là tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự. “Có thể khẳng định quá trình hiệp thương với quy trình 05 bước, 03 hội nghị đã được thành phố Hà Nội triển khai đảm bảo khách quan, đúng luật, công khai, dân chủ và đều được thực hiện sớm hơn so với tiến độ quy định”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ.

 Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại 4 kết quả nổi bật và 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp là rất lớn, rất quan trọng, đòi hỏi phải sớm bắt tay vào triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Hướng dẫn về tổ chức kỳ họp thứ Nhất, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tạo điều kiện để các địa phương nhanh chóng kiện toàn bộ máy và nhân sự chủ chốt của chính quyền địa phương với không khí phấn khởi, tin tưởng, các chức danh được bầu, phê chuẩn đều đạt tín nhiệm rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

 

 Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là tập trung vào tổ chức thành công kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp hết sức quan trọng với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ; xem xét, quyết định một số chương trình, kế hoạch lớn của nước ta cho 05 năm sắp tới như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn và một số Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, bước vào nhiệm kỳ mới, mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm của mình theo Hiến pháp và pháp luật, phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Lĩnh hội tư tưởng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, chúng ta cần nhận thức rõ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, Quốc hội và HĐND các cấp càng “phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ./.

Tin- ảnh: Trần Dưỡng - Trọng Toàn