Gương điển hình người tốt, việc tốt Gương điển hình người tốt, việc tốt

Trò thay đổi - Cô hạnh phúc
Ngày đăng 22/01/2021 | 09:38  | Lượt xem: 532

“Làm thế nào để học sinh có thể chủ động chia sẻ với mình các vấn đề xảy ra trong cuộc sống? Lẽ nào người thầy lại làm ngơ khi học sinh gặp khó khăn?”- Câu hỏi ấy khiến tôi cứ day dứt bao năm bởi lẽ đối với tôi bỏ quên học sinh có nghĩa là bỏ rơi các em - Không nhất định là không - Chỉ có thể tìm cách để trò thay đổi và thay đổi để hạnh phúc hơn!

Đó là tâm sự của cô giáo đã có 10 năm trong nghề, thời gian 10 năm chưa hẳn là dài nhưng cũng không ngắn đối với cuộc đời của một người thầy - Cô Bùi Thị Thúy Vân - Giáo viên Trường THCS Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tôi biết về cô khá lâu nhưng chỉ hiểu thoáng qua trong các dịp cô tham gia hoạt động của ngành. Chỉ khi tiếp xúc với cô mới cảm nhận được hết sự yêu nghề của một cô giáo trẻ, trẻ cả người và trẻ cả nghề (đó là so với tôi, công tác đã 29 năm), còn với cô 10 năm công tác là bấy nhiêu thế hệ học trò, có thể thấy cô thật “giàu có” khi “bỗng dưng” có một đàn con, tất cả học trò chúng đều coi cô là người mẹ thứ hai - Đó chính là hạnh phúc của người Thầy!

Học trò đến với cô thật tự nhiên, chúng coi cô như người chị, người bạn vậy, chẳng e dè, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ kể cả chuyện mới lớn? Vì sao ư? Thật đơn giản vì cô là nơi mà lũ học trò tin yêu và tin cậy.

Tình cờ gặp cô trong buổi báo cáo “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2019 và sau đó chúng tôi đã gần gũi hơn. Cô bắt đầu câu chuyện về “nghề đưa đò” 10 năm của mình bằng những mẫu chuyện, những kí ức:

“Đây là hai tấm bưu thiếp mà em nhận được từ học trò nhân dịp kỉ niệm  20/11 năm ngoái và trong ngày ra trường của năm nay. Đó là của em Nhật Anh và Trung Nguyên. Thú thật, những lời tâm sự ấy đến bây giờ mỗi khi mở ra đọc lại, em thấy mắt mình lại cay cay” - Giọng cô nghẹn ngào.

Lá thư của hai em Nguyễn Filip Mạnh Nhật Anh và Nguyễn Trung Nguyên gửi cô Vân

 

Tôi tò mò:

- Nếu không bí mật, em kể cho chị nghe!

- Vâng chuyện là….

Dường như cô xúc động mạnh nên tôi tỏ ý không muốn làm phiền cô “Cảm ơn em, lúc khác mình nói chuyện nhé!”

- Một chút thôi, qua rồi chị ạ - Cô trở lại bình tĩnh - Giọng cô trở nên say sưa: Em đã trăn trở rất nhiều vì thực tế hiện nay học sinh ở lứa tuổi cấp 2 đang ở trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì nên các em muốn khẳng định cái tôi của bản thân; một số em sống khép mình, không muốn chia sẻ với mọi người xung quanh. Do vậy, giáo viên khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Thậm chí có em còn hay quậy phá, nghịch ngợm. Vì thế, nhiều thầy cô không tránh khỏi những lúc bế tắc, không muốn quan tâm đến những học sinh như vậy nữa. Em tự hỏi: “Nếu mình là học sinh trong trường hợp ấy, không được cô giáo quan tâm chia sẻ, mình sẽ như thế nào? Nếu một ngày trong số học trò đó có em vì sự thờ ơ của người lớn, sự thờ ơ vô cảm của người Thầy mà hỏng cả tương lai phía trước và rất nhiều câu hỏi “nếu” cứ làm em day dứt không yên”. Từ đó, em nghĩ mình phải giúp học trò tiến bộ hơn bằng cách thay đổi thái độ khi lên lớp; thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học sinh; thay đổi thông qua các hoạt động. Nói thì dễ, nhưng làm không đơn giản chút nào chị ạ. Em cũng như bao đồng nghiệp khác đã phải huy động những kiến thức kĩ năng được học trong trường sư phạm, nhưng đôi khi lại bị vô hiệu hóa vì các phương pháp đó chủ yếu là lý thuyết chứ ít thực tế cũng bởi lẽ bây giờ học sinh không đơn thuần như xưa nữa.

Ánh mắt như biết nói, Vân sôi nổi: “Dù cho có nhiều phương pháp tuy nhiên em vẫn chọn và thực sự tâm đắc với phương pháp “nêu gương” bởi nó mang lại những hiệu quả giáo dục rất tốt. Em hay kể các câu chuyện hạt giống tâm hồn; gương người thật, việc thật trong cuộc sống; các thần tượng của giới trẻ hiện nay như: ca sĩ Mĩ Tâm, Noo Phước Thịnh,… Em chỉ cho học sinh thấy, họ cũng đã cố gắng, lao động hết mình, vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những thành công như ngày hôm nay. Vậy các em cũng cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để đạt được ước mơ của mình.

Qua cách chia sẻ của cô Vân, tôi được biết Vân thường kể cho trò nghe những câu chuyện từ thời đi học của chính bản thân mình, những lỗi lầm mà mình từng mắc phải và cũng đưa ra được cách sửa lỗi để bản thân hoàn thiện hơn. Điều thú vị là Vân biết chọn thời điểm khi lớp có vấn đề như: chia bè phái, ý thức kỷ luật đi xuống, không ủng hộ lớp trưởng… Có thể, Vân nói ra hiện tượng ấy một cách trực tiếp rồi khéo léo kể câu chuyện và cách ứng xử của bản thân khi còn là học sinh để các em có sự đồng cảm với cô và nhận ra lỗi của mình, rồi sửa lỗi. Hoặc có thể kể chuyện tưởng chừng như vu vơ nhưng lại ngầm để giáo dục các em, để các em thấm dần và cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn.

- Kỉ niệm nào của học sinh là không thể quên với em? - Tôi đặt vấn đề.

Vân mỉm cười - nụ cười thật dễ mến:

- Em nhớ mãi Phan Trung Kiên - học sinh lớp em chủ nhiệm năm 2018. Kiên là một cậu bé lầm lì, ít nói, thường xuyên đi học muộn, không tập trung trong giờ học, có nhiều biểu hiện của trẻ tự kỷ, thậm chí có một thời gian em liên tục có hành động, suy nghĩ “không muốn sống” nữa. Giáo viên bộ môn thì phàn nàn, các bạn trong lớp thì xa lánh. Sự việc cứ tiếp diễn như vậy. Suốt thời gian đó em đau đáu nghĩ “làm thế nào để giúp em hòa nhập” được với các bạn.

- Thế em chịu “bó tay” không?

- Thật ra cũng nản chị ạ, cũng định buông nhưng em cứ nghe như đâu đây tiếng tha thiết của người làm cha làm mẹ “mong cô có cách nào giúp con em” là em lại thấy mình phải có trách nhiệm.

- Và rồi cũng có giải pháp hay? - Tôi hỏi dồn.

- Cũng không có gì là đặc biệt, em chỉ nghĩ Kiên đang cần gì ở người lớn, ở cô giáo? À đó là tình yêu thương. Vậy là em đã tìm được bí quyết “Sự yêu thương, chia sẻ, tin tưởng”. Và em đã gặp riêng nói chuyện với Kiên, tìm hiểu thêm về tâm tư nguyện vọng. Ôi vô tâm quá, đến khi đó em mới vỡ lẽ bởi hoàn cảnh của Kiên quá đặc biệt: mẹ Kiên rất nhiều tuổi mới sinh được ra cậu bé. Rồi bác ấy vất vả làm lụng để nuôi con ăn học đến nỗi chẳng có thời gian để nghe con mình trò chuyện hàng ngày. Từ đó, Kiên trở nên lầm lì, sống khép mình, muốn vi phạm nội quy để được mẹ chú ý nhiều hơn. Em đã lắng nghe tất cả những điều Kiên nói, chia sẻ với cậu học trò như một người bạn về các vấn đề trong cuộc sống. Em hay kể về tuổi thơ thiếu thốn của mình và sự nỗ lực vươn lên bằng cách nào. Thỉnh thoảng em lại tặng cho Kiên một cuốn sách về các giá trị sống, sau mỗi giờ học em nán lại ít thời gian để kèm Kiên học bài.

Cô Vân hướng dẫn em Kiên học bài sau mỗi giờ tan học

 

Cô Vân tặng Kiên những quyển sách về giá trị sống

Từ đó, Kiên hay chia sẻ với cô giáo hơn. Những bài làm văn của trò Kiên lắng đọng hơn, cảm xúc hơn. Cậu đã chịu khó giao tiếp với các bạn, lời nói không còn cụt lủn, trống không, tính cách đã bớt phần nóng nảy và giờ đây Kiên đã là một học sinh khác vui tươi, cởi mở, không còn giận vô cớ.

Em Kiên vui chơi cùng các bạn

Dường như thấy tôi vẫn rất tò mò nên Cô Hà - Hiệu trưởng nhà trường, nơi cô Vân công tác chia sẻ:

- Giữa kì 2 năm 2018 có học sinh Nhật Minh học dở dang được nửa kì ở lớp bên thì Ban giám hiệu quyết định chuyển về lớp cô Vân. Nhật Minh là cậu bé ngoan nhưng hay suy nghĩ vẩn vơ, đợt nghỉ dịch do Covid-19, Nhật Minh cứ vô cớ khóc và hay nghĩ quẩn. Bố mẹ Nhật Minh cho hay “em Minh chỉ nghĩ đến cái chết, bố mẹ đã bắt gặp Minh chuẩn bị dùng dây để kết thúc cuộc đời, may mà phát hiện được”. Cả nhà lo lắng, bố mẹ và bà tâm sự, phân tích nhưng Minh không nghe. Khi mở tủ thấy có tấm bưu thiếp em hay nâng niu, thì ra đó là bức thư của cô Vân gửi cho Minh. Bố mẹ Minh đã nhờ cô Vân tiếp tục viết thư gửi Minh với hy vọng con sẽ thay đổi. Rồi cô Vân đã tổ chức sinh hoạt lớp, tâm sự chia sẻ điều tốt đẹp, viết thư gửi cho học sinh, chẳng biết trong thư cô viết gì, chỉ biết sau đó Minh đã vui vẻ, hòa đồng và bình thường lại. Bố mẹ của Minh rất vui, họ nói với em “gia đình không biết phải cảm ơn cô giáo như thế nào, con nhà chúng tôi may mắn được cô dạy dỗ”. Cô Vân thường đưa ra lời khuyên để giúp các em ngày càng tiến bộ hơn. Cô đã trò chuyện, chia sẻ và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm trong các giờ sinh hoạt lớp để giúp trò hòa đồng với các bạn trong lớp và sống tích cực hơn. Những việc làm của cô đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của phụ huynh và học sinh trong lớp.

Description: C:\Users\Administrator\Desktop\29.jpg
Cô Vân hướng dẫn học sinh tổ chức Tọa đàm “Gắn kết và sẻ chia sẻ”

Cô Hiệu trưởng cho biết thêm:

Ở trường, cô Vân rất gần gũi học trò nhất là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô không chỉ dành thời gian quan tâm mà còn tặng sách, vở, dạy học miễn phí. Trong suốt thời gian công tác từ năm học 2010-2011 đến nay, cô đã giúp đỡ rất nhiều học sinh trong học tập, cô dạy miễn phí môn Ngữ văn cho gần 200 học sinh, với khoảng 700 buổi số tiền lên đến trên 18.000.000 đồng. Phụ đạo miễn phí cho 32 học sinh yếu kém, với khoảng 350 buổi số tiền trên 9.000.000  đồng. Trong 2 năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019, cô đỡ đầu em Phạm Quốc Khánh, đóng toàn bộ tiền học bổ trợ trong nhà trường cho em với số tiền 3.744.000  đồng. Đặc biệt năm học 2019-2020, cô Vân đã dạy ôn thi vào 10 miễn phí môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9A1 với 86 buổi (172 tiết), số tiền là: 2.236.000 đồng. Đáp lại sự tận tình ấy là kết quả của trò, điểm thi của các em có gần 70% đạt điểm 8 trở lên. Thật kì diệu.

Giờ đây ở lớp cô chủ nhiệm hiếm gặp những em học sinh quậy phá, ít hơn những hiện tượng trêu chọc bạn hay những trò dại dột của tuổi học trò, không còn hiện tượng học sinh trốn tiết và lơ đãng trong giờ học. Những việc làm của cô Vân đã phần nào truyền được cảm hứng cho các giáo viên khác trong trường. Các đồng nghiệp của cô cũng đã có nhiều thay đổi trong mối quan hệ với học sinh để các em luôn cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

 Ngoài ra cô tích cực tham gia công tác nhân đạo trong nhà trường và ở địa phương như: ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ đợt Covid-19… với số tiền khoảng 3.200.000 đồng; Tích cực giúp đỡ đồng nghiệp trong các đợt thi giáo viên giỏi hoặc khi ốm đau, gia đình có việc buồn, vui.

Tôi trở lại bên Cô Vân và có thêm đề nghị:

- Nếu cho em chọn lại nghề, em có chọn nghề “đưa đò” nữa không?

- Có chứ ạ? Niềm vui của em là được gặp học trò, được vui chơi với chúng, bởi lẽ không chỉ với riêng em mà giờ đây các học sinh của em,mỗi ngày đến trường đều cảm thấy vui và hạnh phúc. Muốn mở lòng đón nhận niềm vui và có cơ hội chia sẻ với mọi người. Em thấy mỗi ngày em càng thay đổi, sự thay đổi của em giúp trò thay đổi và cả em cùng học sinh đều nhận ra điều giản dị “thay đổi để hạnh phúc hơn”.

Những việc làm ấy tuy nhỏ bé nhưng quả thật em lại cảm thấy rất vui, vui bởi: giữa em với học sinh trở nên gần gũi thân thiết. Vui bởi những cô cậu học trò coi em như người bạn, người chị, người cô để sẵn sàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn và cả chuyện thầm kín của bản thân mình. Đúng như Can Jung đã từng nói:“Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”.

Tôi rất tâm đắc với nhận định của Gôlôbôlin “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”.

Description: D:\Ảnh\Chưa sắp xếp\FB_IMG_1539183166587.jpg
Cô Vân và học sinh lớp chủ nhiệm

 

Có lẽ nào mỗi người thầy không vui khi thấy học trò lớn lên và trưởng thành, Việc làm của cô Vân và biết bao thầy cô khác đáng trân trọng, tự hào.Trong muôn vàn bận rộn của ngày hôm nay nhưng tôi vẫn thấy cô Vân và nhiều thầy cô còn nặng lòng trăn trở với nghề “Gieo hạt cho đời”. Cảm ơn cô Vân, cảm ơn các thầy các cô đã đem đến cho học trò những thay đổi./.

Thanh Vi