du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể lễ hội giao hiếu (kết chạ) Kiều Mai - Phú Mỹ
Ngày đăng 17/12/2020 | 16:25  | Lượt xem: 1030

Di sản văn hoá là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới. Những di sản văn hóa còn là nguồn sử liệu trực tiếp cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về trang sử hào hùng của dân tộc và truyền thống đấu tranh cách mạng hùng tráng của những thế hệ cha ông đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong bối cảnh hiện nay, giữa mối quan hệ truyền thống và hiện đại thì các di sản văn hóa vật thể như: đình, chùa, miếu, phủ, văn chỉ, nhà thờ họ...hay các di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, phong tục tập quán... có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của con người. Bên cạnh đó, di sản văn hóa cũng được coi là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch. Ở nhiều địa phương, việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của các di sản văn hóa đã góp phần đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.

Quận Bắc Từ Liêm là nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá của người Việt cổ, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Theo danh mục kiểm kê di tích được công bố tại Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND thành phố Hà Nội thì quận Bắc Từ Liêm có 135 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (gồm 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp Thành phố); 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 02 lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó là: Lễ hội Đình Chèm - phường Thụy Phương; Lễ hội Bơi Đăm - phường Tây Tựu.

 

Description: C:\Users\CNTT_BTL_HP550\Downloads\IMG_2230 (2).JPG
Hình ảnh đoàn rước nam trong lễ hội Kiều Mai - Phú Mỹ năm 2020

Tiêu biểu trong hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đó là di sản văn hóa phi vật thể lễ hội giao hiếu Kiều Mai - Phú Mỹ. Kiều Mai là một vùng đất cổ có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời. Như nhiều lễ hội dân gian khác, hội giao hiếu Phú Mỹ - Kiều Mai gắn liền với hạt nhân văn hóa tín ngưỡng là tục thờ thần của hai làng, cùng các kiến trúc thờ tự có liên quan, cụ thể: Đình Phú Mỹ thờ Quốc vương Thiên tử đại vương, tức Lý Nam Đế (544 - 548), Diêm La thiên tử đại vương, tức Lý Phật Tử và Ả Lã Nàng Đê (40 - 43 sau CN), một nữ tướng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Đình làng Kiều Mai thờ Thành hoàng làng là vị tướng thời Hùng Duệ Vương thứ XVIII, người có công đánh giặc phương Bắc, Duệ Hiệu “Thổ Lệnh tối linh thần, Tam Giang thượng đẳng phúc thần đại vương”.

“Hội làng Phú Mỹ, Kiều Mai,

Tháng Giêng em đến, tháng Hai chị về”

Đó là câu ca dao nói về không gian và thời gian diễn ra lễ hội giao hiếu Kiều Mai - Phú Mỹ. Các hội lệ của hai làng Phú Mỹ - Kiều Mai trong một năm hết sức phong phú, ngoài thông lệ xuân, thu nhị kỳ, còn có các lễ tiết gắn với ngày sinh, ngày hóa của các thần, ngày khánh hạ, cầu phúc, xuống đồng, cầu mùa, nhưng tiêu biểu và đáng chú ý nhất là Hội giao hiếu (kết chạ), được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng (làng Kiều Mai rước thánh về làng Phú Mỹ) và ngày 20 tháng Hai (làng Phú Mỹ rước thánh về làng Kiều Mai).

Description: C:\Users\CNTT_BTL_HP550\Downloads\IMG_2373.JPG
Hình ảnh kiệu Long Đình tại lễ hội Kiều Mai – Phú Mỹ năm 2020

Theo tục truyền, tục kết chạ giữa hai thôn Phú Mỹ - Kiều Mai đã được xác lập và duy trì từ xa xưa, từng có Khoán ước được ký kết ngày 10 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), phục dựng lại ngày 01 tháng 6 năm Quý Dậu (1933), niện hiệu Bảo Đại. Hiện Khoán ước này còn được được lưu giữ tại hai tổ dân phố (Phú Mỹ - Kiều Mai ). Nội dung khoán ước ghi rõ: Hằng năm, vào ngày 7 tháng Giêng, thôn Kiều Mai sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Phú Mỹ để dự Lễ khánh hội tại thôn Phú Mỹ; Và ngày 10 tháng Hai, thôn Phú Mỹ sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Kiều Mai để dự Lễ khánh hội tại thôn Kiều Mai. Ngoài ra, còn quy ước cụ thể về lễ và các nghi thức hành lễ liên quan. Đến nay, dân Phú Mỹ - Kiều Mai vẫn duy trì Khoán ước này. Trong Hương ước của thôn Kiều Mai cũng quy định cụ thể về việc thực hiện Lễ hội giao hiếu này theo các quy định của Khoán ước đã giao kết. Trong đó, có những quy định cụ thể về việc ai được tham gia lễ hội và đoàn rước.

Hội giao hiếu giữa Phú Mỹ - Kiều Mai gắn với việc phụng thờ Thành hoàng của 2 làng. Theo thông lệ xưa, năm nào “Hòa cốc phong đăng (được mùa), hai bên cùng tổ chức lễ hội và có rước lớn, việc này do hai bên bàn bạc thống nhất. Hiện nay, Lễ hội giao hiếu Phú Mỹ - Kiều Mai được tổ chức với quy mô lớn 5 năm một lần, còn lại,các năm khác, được tổ chức với quy mô nhỏ. Với những năm tổ chức lễ hội quy mô nhỏ, thôn này chỉ rước đến dự lễ với thôn kia một kiệu long đình, có tự khí đầy đủ, không rước kiệu Thánh (bát cống), không tuyển Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ.Với năm tổ chức lễ hội quy mô lớn, sẽ rước 2 kiệu, gồm: 1 long đình và 1 kiệu bát cống và đầy đủ tự khí, đầy đủ Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ.

Giao hiếu, tức kết chạ là một phong tục tốt đẹp trong mối quan hệ liên kết các làng xã trong xã hội Việt cổ truyền, có tác dụng củng khối đại đoàn kết cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Lễ hội giao hiếu Phú Mỹ - Kiều Mai đã được ghi lại trong Khoán ước giao kết giữa 2 thôn từ thời Cảnh Hưng còn được duy trì đến tận ngày nay là một biểu hiện sinh động về mối quan hệ độc đáo này. Trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, sự tồn tại của mối quan hệ giao hiếu (kết chạ) trong hội Phú Mỹ - Kiều Mai mang đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn và là một trong không nhiều điển hình. Nếu như trước đây, hai thôn canh tác nông nghiệp có ranh giới liền kề, có liên kết, hỗ trợ trong canh tác nông nghiệp, tiến tới giao lưu trong sinh hoạt văn hóa tâm linh,thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái thì ngày nay, khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi (cả hai cộng đồng không còn sản xuất nông nghiệp), Hội giao hiếu Phú Mỹ - Kiều Mai tồn tại như một “hóa thạch” về hình thức liên làng truyền thống giữa lòng đô thị đang đảm nhiệm chức năng liên kết phố - phường. Ngày nay, cộng đồng hai tổ dân phố Phú Mỹ - Kiều Mai lấy sự kiện lễ hội để nhớ về quê hương bản quán, thắt chặt tình đoàn kết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của hai cộng đồng. Từ quan hệ giao hiếu, Hội người cao tuổi hai thôn cũng tổ chức thăm viếng các cụ đại thọ tại hai thôn khi các cụ viên tịch (các cụ thọ từ 90 tuổi trở lên). Đó cũng là một biểu hiện sinh động về tác dụng xã hội mà di sản văn hóa có thể mang lại.

Những năm gần đây, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh của quận Bắc Từ Liêm đã và đang phát huy có hiệu quả. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống đã và đang thu hút sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chinh trị xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Các lễ hội truyền thống được khôi phục đã trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm kinh doanh phát triển du lịch của địa phương./.

Tuấn Minh