du lịch bắc từ liêm
Sáng ngày 20/01/2024, quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức đón tiếp Đoàn Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội tham quan một số các di tích lịch sử văn hóa tại Quận. Đoàn tham quan do bà Phan Lan Tú - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn. Cùng tham gia với đoàn có ngài Subhash Prasad Gupta - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cùng phu nhân; bà Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekanada cùng phu quân; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; cùng nhiều đại biểu, khách mời. Tiếp đoàn có ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm; Lãnh đạo phòng Văn hóa và Thông tin Quận; lãnh đạo Đảng ủy - UBND các phường: Thụy Phương, Đông Ngạc, Thượng Cát cùng các ông, bà trong ban quản lý di tích, nhà thờ Họ của 3 phường.
Trong buổi sáng, Đoàn đã dừng chân làm lễ, dâng hương và tham quan tìm hiểu tại một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu tại Quận như: di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm - phường Thụy Phương; di tích đình Đông Ngạc, nhà thờ họ Đỗ, nhà thờ họ Hoàng, nhà thờ họ Phan - phường Đông Ngạc; di tích chùa Kỳ Vũ - phường Thượng Cát. Bên cạnh đó, Đoàn còn được tìm hiểu về làng sinh vật cảnh Đông Ngạc, tham quan và chụp hình kỷ niệm tại vườn quất Nhật Tảo.
Đoàn làm Lễ tại đình Chèm - phường Thụy Phương
Điểm đến đầu tiên của đoàn là Đình Chèm - phường Thụy Phương, một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có niên đại hơn 2.000 năm lịch sử đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2017. Ngôi đình thờ đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng - một nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt. Nơi đây cũng là nơi hàng năm diễn ra lễ hội rước nước với ý nghĩa tri ân công đức của Đức Thánh Chèm, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an cho nhân dân địa phương. Lễ hội đình Chèm - phường Thụy Phương được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo phường Đông Ngạc tại đình Đông Ngạc
Điểm tiếp theo, Đoàn có tham quan làng cổ Đông Ngạc - một trong những ngôi làng cổ nhất tại thủ đô Hà Nội. Làng Đông Ngạc nổi tiếng với danh xưng là “Làng tiến sĩ” hay “Làng Khoa Bảng” do có rất nhiều người đỗ đạt trong các khoa thi. Đây cũng là nơi có nhiều các di tích lịch sử văn hóa còn giữ nguyên nét cổ kính, uy nghiêm và lưu giữ nhiều di vật, cổ vật mang giá trị lịch sử.
Tại các điểm di tích, Đoàn đã có được nhiều trải nghiệm thú vị như: nghe các cụ thủ từ kể chuyện về thần tích của di tích, đặc biệt Đoàn đã tham dự nghi lễ giỗ thánh tại đình Chèm, phường Thụy Phương. Đến Đông Ngạc, Đoàn được trải nghiệm không gian làng Việt cổ tại đình Đông Ngạc (đình Vẽ) với những kiến trúc độc đáo, thăm nhà Vua ban tại nhà thờ họ Hoàng. Đặc biệt, Đoàn được nghe giới thiệu về lịch sử, những điều khác biệt về các dòng họ lớn tại làng Đông Ngạc qua việc thăm quan các nhà thờ họ Hoàng, họ Đỗ và họ Phan…
Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng sư thầy Thích Đàm Thanh - chùa Kỳ Vũ, phường Thượng Cát
Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là chùa Kỳ Vũ - phường Thượng Cát. Chùa Kỳ Vũ nằm trong quần thể di tích Đình - Chùa Thượng Cát. Theo tấm bia "Kỳ Vũ Tự Phật bi đề danh ký" thì chùa Kỳ Vũ được xây dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 2 (tức năm 1620). Chùa từng là điểm cầu đảo của các quan và dân địa phương xưa kia. Khi Phật giáo vào Việt Nam (đầu Công Nguyên) đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa tạo nên hệ thống "Tứ Pháp" để thờ các hiện tượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp) trong các chùa của người Việt để cầu "mưa thuận gió hòa", đồng thời kết hợp với thờ các vị thần, Phật và những người có công với nhân dân địa phương và đất nước. Quần thể khu di tích Đình - Chùa Thượng Cát tạo ra bố cục kiến trúc "tiền Thần - hậu Phật", dạng thức tồn tại phổ biến ở các công trình kiến trúc thời Lý - Trần.
Tại biểu tham quan, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Đoàn đã dành tình cảm đặc biệt với quận Bắc Từ Liêm và chia sẻ đình Chèm - phường Thụy Phương là một trong rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa tại Quận. Ông hy vọng, trong thời gian tới, ngài Subhash P.Gupta - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và các thành viên Đoàn có nhiều dịp quay trở lại quận Bắc Từ Liêm để địa phương có cơ hội được giới thiệu nhiều hơn về các giá trị di tích lịch sử tiêu biểu khác của Quận, đồng thời, ông cũng mong rằng ngài Subhash P.Gupta sẽ có nhiều thời gian tham quan tìm hiểu về các di tích tiêu biểu khác tại Việt Nam để hiểu hơn về mảnh đất, văn hóa, con người Việt Nam.
Chia sẻ trong chuyến tham quan, ngài Subhash P.Gupta - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bô lão, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã dành thời gian tiếp đón và cung cấp những thông tin bổ ích về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Bắc Từ Liêm nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, ngài Subhash P.Gupta cũng chia sẻ: "Trước đây, tôi được biết đến hai vị danh tướng thời phong kiến là Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, sau khi tham quan Đình Chèm, tôi đã biết thêm một vị danh tướng khác là Lý Ông Trọng. Qua cách làm lễ tại các đình chùa trong chuyến tham quan này, tôi được hiểu thêm về văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt. Và rõ ràng, mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, song văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ có nhiều nét tương đồng".
Ngài Phó Đại sứ cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã tổ chức chuyến đi đầy ý nghĩa. Thông qua hoạt động giúp tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ hội giao lưu gặp gỡ giữa hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội và cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ, Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda./.
Đỗ Liễu
- Thông báo
- Thông tin tuyên truyền
- Thông tin tuyển dụng
- Thống kê, báo cáo
- Hướng dẫn thực hiện pháp luật
- Dự thảo văn bản
- Công khai ngân sách
- Công khai theo quy định luật tiếp cận thông tin
- Giải quyết đơn thư
- Chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học
- Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh