du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Đình Trung Tựu - Nét nghệ thuật từ ngàn xưa
Ngày đăng 30/09/2021 | 11:08  | Lượt xem: 788

Đình Trung Tựu, thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km về phía Tây, nơi gắn liền với lễ hội Bơi Đăm truyền thống nổi tiếng khắp vùng từ ngàn xưa.

Đình Trung Tựu được xây dựng để phụng thờ và tưởng niệm về thần Bạch Hạc Tam Giang, húy Đào Trường, một vị tướng tài danh có công giúp vua Hùng dẹp tan giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân làng xã, nơi tổ chức lễ hội truyền thống. Hàng năm, làng quy định có 4 kỳ tế lễ vào ngày sinh thần 12 tháng 2, ngày hóa là ngày 10 tháng 6 và hai ngày khánh hạ 15 tháng 3 và 12 tháng 5 âm lịch. Trong những ngày vào đám, ngoài nghi thức tế lễ trọng thể còn có các trò chơi truyền thống thượng võ lôi cuốn đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Trong ngày hội làng hàng năm vào ngày 10 tháng 3 có tổ chức hội đua thuyền diễn tả lại chiến thuật luyện tập và tiến công bằng thủy quân của tướng Đào Trường thời Hùng Duệ Vương.

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh Tây Tựu\000 đình trung tựu.jpg

Phương đình - Đình Trung Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm

Đình Trung Tựu tọa lạc trên một khu đất cao ráo rộng thoáng sát khu cư dân, Đình quay hướng về phía Đông Nam. Từ ngoài vào gồm các công trình kiến trúc: Nhà phương đình, hai dãy nhà tả hữu mạc, sân đình và tòa đại đình kết cấu kiểu chữ đinh.

Nhà Phương đình được xây trên nền cao hơn mặt sân 60cm xung quanh nền bó vỉa gạch nhà tai tầng mái kiểu chồng diêm 8 mái, 4 mái trên hình tam giác thu nhỏ dần ở phía nóc, nóc mái đắp nổi cao hình trái giành, các đầu đao cong vút trang trí hình văn thực vật, mái lợp ngói mũi hài.

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh Tây Tựu\z2800153602261_e66895a4045742f1cf7bf0189522371c.jpg
Trang trí trên cốn mê nhà đại bái

 

Qua một khoảng sân gạch rộng, phía trong là tòa đại đình, hai bên tả hữu xây hai dãy nhà tả hữu mạc, mỗi bên 3 gian xây kiểu nhà tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái kết cấu theo lối kèo cầu quá giang, cột trốn.Tòa đại đình được xây dựng trên nền cao hơn mặt sân 1m, nền bó vỉa gạch, phía trước xây bốn bậc gạch lên nhà đại bái. Nhà đại bái 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài cổ loại ngói dầy mình, mũi hất lên, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đốc mái đắp đầu kìm hình rồng, miệng ngậm bờ nóc, phía trước hai đầu hồi xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn, đỉnh mỗi trụ đắp nổi hình bốn chim phượng đuôi chụm vào nhau đầu quay bốn hướng, thân trụ tạo gờ nổi trên ghi các đôi câu đối chữ Hán. Mảng tường vượt nối giữa tường hồi đại bái và cột trụ biểu trên mặt đắp tượng quan văn và quan võ. Nội thất đại bái mặt bằng 6 hàng chân, các cột gỗ đỡ mái làm kiểu “Thượng thu hạ thách”. Các vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng hạ cốn bẩy hiên”, hai vì hồi làm kiểu kèo cầu quá giang. Mái phân thượng tứ hạ tâm. Bốn gian bên xây bệ tôn cao hơn nền gian giữa 30cm dùng làm sàn đình nơi hội họp của toàn dân trong ngày hội làng. Gian giữa thấp tạo thành lòng giếng. Kiểu bố cục này mang dấu ấn thời hậu Lê.Trang trí kiến trúc tập trung vào các bức cốn mê gian giữa với đề tài trang trí “rồng ổ” “Tứ quý” “hoa văn hình học”…Tám đầu dư chạm nổi kết hợp chạm lộng hình rồng thuộc nghệ thuật thế kỷ 19, các đầu bẩy trang trí văn hoa lá.

Tòa hậu cung xây nối tiếp với gian giữa nhà đại bái. Một nếp nhà hai gian xây chạy dọc về phía sau tạo thành hình chữ đinh. Nhà xây dựng kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, các vì kèo đỡ mái kiểu “trụ giá chiêng” nền lát gạch vuông. Trang trí trên kiến trúc đơn giản bào trơn, đóng bén, kẻ soi.

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh Tây Tựu\z2800154110195_5afec93a78352bde40590d2080e4cbfc.jpg
Bài vị sơn son thiếp vàng thuộc nghệ thuật thế kỷ 19

 

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh Tây Tựu\z2800154591588_6d6fb3999868550f4276c9f46dbf1c43.jpg
Bài vị sơn son thiếp vàng thuộc nghệ thuật thế kỷ 19
Bộ ngũ sự bằng đồng thế kỷ 19

Trải qua một thời gian dài tồn tại, qua những bước biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhất là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược đã làm cho di tích có nhiều thay đổi theo năm tháng. Hiện nay, đình Trung Tựu vẫn bảo tồn những công trình kiến trúc mang giá trị truyền thống. Tại di tích còn lưu lại tuy ít về số lượng, song những di vật lưu lại đều mang giá trị lịch sử thẩm mỹ nghệ thuật cao như: Kiệu rước, long ngai bài vị, cửa võng, hoành phi câu đối mũ áo hia thờ… là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ thuộc nghệ thuật thế kỷ 19.

 Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật, vào ngày 13 tháng 02 năm 1996, đình Trung Tựu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia./.

 Đỗ Liễu