du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Đình Nhật Tảo- Ngôi đình cổ lưu giữ văn hoá ngàn xưa
Ngày đăng 24/08/2021 | 15:22  | Lượt xem: 1893

Đình Nhật Tảo là tên gọi theo địa danh thôn Nhật Tảo thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Đình Nhật Tảo là một trong những ngôi đình cổ có giá trị lịch sử bậc nhất ở đất Thăng Long Hà Nội với hơn 600 tuổi. Đình là nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện trọng đại, còn lưu giữ được nhiều giá trị liên quan đến văn hóa người Chăm Pa cổ.

Khuôn viên Đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm

 

Đình Nhật Tảo thờ Thái tể thượng tướng Trần Nguyên Trác, con thứ hai của vua Trần Minh Tông. Trong suốt cuộc đời làm quan, ông đã từng giữ rất nhiều trọng trách quan trọng trong triều đại nhà Trần xưa như: Từng được phong là Cung tĩnh Đại vương; Thái úy; Tả tướng quốc; Thái tể thượng tướng. Ấp Cảo Điền xưa, nay là địa phận tổ dân phố Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, là nơi ông được vua cha ban cho để cai quản.Với tài đức văn võ song toàn, Trần Nguyên Trác được xem là rường cột của hai triều vua (Hiến Tông và Dụ Tông). Năm 1369, sau những biến cố lịch sử, Dương Nhật Lễ âm mưu lật đổ nhà Trần. Đêm 20/9/1370, Trần Nguyên Trác cùng con là Trần Nguyên Tiết đã dẫn quân vào thành để tiêu diệt tên phản nghịch. Tuy vậy, cuộc tập kích thất bại, cha con Trần Nguyên Trác cùng 18 cận vệ bị bắt sống và bị hành quyết vào ngày 21/9/1370. Vị danh tướng này mất khi 51 tuổi. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Trần Nguyên Trác trong quá trình khai hoang, lập ấp ở vùng đất này, dân chúng nơi đây đã lập miếu thờ cúng hàng năm.

Trong suốt quá trình tồn tại của lịch sử dân tộc đầy biến động, đình Nhật Tảo còn là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng đối với địa phương trong kháng chiến chống Pháp và sau này. Đình là nơi tuyên truyền cho chương trình cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, nơi truyền bá chữ quốc ngữ khá sôi nổi. Ngày 06/01/1946, đình Nhật Tảo là địa điểm đầu tiên có hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của vùng ngoại thành Hà Nội. Ngày 19/12/1946, ngày toàn quốc kháng chiến, đình làng lại trở thành trụ sở tự vệ của thôn và là trạm chuyển thương của Thành phố, nơi đóng quân của vệ quốc đoàn. Trong thời gian dịch tạm chiếm khủng bố thì đình lại là nơi nuôi dấu cán bộ an toàn. Một sự kiện được ghi nhớ sâu đậm nhất trong lòng người dân Nhật Tảo là ngày mùng một Tết năm Nhân Dần (1962) đình làng thôn Nhật Tảo được vinh dự đón Bác Hồ về chúc Tết, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ có công với cách mạng, thăm các cụ già, chia bánh kẹo cho các cháu thiếu nhi, ra về Người đứng trên bậc tam quan đình vẫy tay thân ái chào đồng bào.

Đình Nhật Tảo được dựng trên một gò đất cao cạnh đường quốc lộ. Hiện nay đình Nhật Tảo còn bảo lưu được tòa Tiền tế, một công trình kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thời Lê khá nguyên vẹn. Tòa tiền tế năm gian, hai chái, nhà xây trên nền cao hơn mặt sân 20cm xung quanh nền bó vỉa. Trên kiến trúc tòa tiền tế được trang trí dày đặc các mảng chạm khắc nghệ thuật độc đáo với đề tài rồng châu, hoa, lá, tiên bay, rồng cuốn thủy, tứ quý đạt ở trình độ nghệ thuật điêu luyện mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII-XVIII.

Tòa hậu cung đình ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, trang trí đơn giản.Hiện nay đình Nhật Tảo còn lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm mang giá trị nghệ thuật cao trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc như kiệu rước, ngai thờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối… Nhưng đặc biệt là bộ di vật 26 đạo sắc phong thần có niên đại trải dài từ thời Lê niên hiệu Đức Long 6 (1963), Chiêu Thống 1 (1787), Quang Trung (1792) đến thời Nguyễn vua Khải Định (1924).

Tại đình Nhật Tảo hiện vẫn còn những dấu tích Chăm sót lại. Đó là đôi phỗng gỗ và hai bức phù điêu mang hình hài Kinara (đầu người, thân chim). Đôi phỗng ở đình Nhật Tảo được làm từ chất liệu gỗ nhìn khá đặc biệt, được đặt hai bên trước lối vào hậu cung. Mỗi phỗng cao hơn 1m trong tư thế quỳ. Phỗng có 2 búi tóc trên đầu được sơn đen phân biệt với khuôn mặt đẹp ở dưới. Về cơ bản mặt vuông vức, nhìn thẳng, trán cao, má bạch, cằm hơi nhô ra phía trước, lông mày nhỏ sắc, mắt to tròn, mũi lớn, miệng cười rộng vừa phải, tai to, cổ tròn, đôi tay đưa ra phía trước, nắm lại như cầm vật và so le trên dưới. Về nguồn gốc của đôi phỗng này, không ai biết chính xác có từ bao giờ, người dân nơi đây đồn đoán có từ khi xây đình. Hai ông phỗng này là tượng trưng cho 2 người hầu thân cận và trung thành của Thái tể thượng tướng Trần Nguyên Trác đồng thời là thành hoàng của làng Nhật Tảo.Tượng phỗng gỗ mang dấu tích Chăm Pa được đặt 2 bên trước lối vào hậu cung của đình.

Ngoài đôi phỗng gỗ, ở đình Nhật Tảo còn giữ được 2 bức phù điêu mang hình hài Kinara được tạo tác và gắn trên nóc gian tiền tế. Tuy nhiên, 2 bức phù điêu này với những nét đã được cách điệu và có dáng dấp giống với các tiên nữ thường xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc Việt truyền thống. Nhưng hình hài nhân điểu (thân chim) thì rất rõ. Khuôn mặt tượng được tạc rất nữ tính: Mắt nhỏ, lông mày sắc, môi tô son, mũi thẳng, mặt trái xoan, tai to… Thân mặc chiếc váy có nhiều nếp và hoa văn, được thể hiện trong tư thế nhảy múa tay dang ra, uốn cong lên, xòe rộng đôi cánh với ba lớp lông. Bụng của Kinara được buộc một dải lụa đỏ, để giữ lấy phần áo, chân trong tư thế gập chéo về một bên. Có thể nhiều chi tiết được Việt hóa nên Kinara hay tiên nữ có đôi cánh đã có nhiều chi tiết bị thay đổi so với các Kinara mà chúng ta thường bắt gặp ở nghệ thuật Chăm Pa tại các khu vực miền Trung. Nhưng đây rõ ràng là một bức phù điêu mang hơi hướng văn hóa Chăm rõ rệt. Tiếc rằng năm 2005, 2 bức phù điêu được sơn lại hoàn toàn mới nên không thể nhìn rõ các đường nét như ban đầu.

Quả chuông tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc

 

Bên cạnh những hiện vật thể hiện văn hóa Chăm, đình Nhật Tảo cũng là nơi lưu giữ một quả chuông cổ có niên đại năm 948 (thế kỷ X) với rất nhiều nét độc đáo, theo như tài liệu ghi lại: Chuông thon thả, nhỏ nhắn, cao khoảng 31cm, nặng 5,4kg, đường kính miệng 18,7cm. Đỉnh chuông phẳng, miệng hơi loe vát. Trên thân chuông có nhiều đường chỉ đúc nổi và nấm tròn nổi. Dọc thân chuông, mỗi bên có 5 đường chỉ khác chia tiếp thân chuông thành 8 ô. Giao điểm giữa các đường chỉ nổi có 4 núm tròn làm nơi gõ chuông. Xung quanh núm có 12 cánh hoa tròn nổi. Quai chuông tạo hình động vật uốn cong, tuy nhiên rất khó nhận dạng 2 con vật này. Minh văn trên chuông ghi rõ niên đại và nơi đúc là: Giao Chỉ huyện, Hạ Từ Liêm thôn, Càn Hòa Lục niên, Mậu Thân tuệ, tứ nguyệt, nhị thập cửu nhật. Theo bản minh văn được khắc trên thân chuông đã tái hiện một phần đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của Việt Nam dưới thời Tiền Ngô (Ngô Quyền). Ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với quả chuông này.

Đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc trong ngày lễ hội hàng năm

 

Từ xa xưa ngôi đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương. Hằng năm, hội làng đình Nhật Thảo được tổ chức từ ngày 09 đến 12 tháng 02 âm lịch để tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, với nhiều hoạt động tế lễ và vui chơi văn hóa thể thao.

Với những nét độc đáo về kiến trúc nghệ thuật và lịch sử, đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật vào năm 1995./.

Đỗ Liễu