du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Đình Chèm - Di sản quý báu của thủ đô Hà Nội
Ngày đăng 28/05/2020 | 10:38  | Lượt xem: 8767

Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 12km là một ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại hơn 2.000 năm lịch sử. Đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam.

Khuôn viên Đình Chèm nhìn từ trên cao

Từ ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm. Đình Chèm là nơi thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng). Tương truyền Đức Thánh Chèm sinh vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương.

Nghi môn ngoại Đình Chèm

Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Nghi môn ngoại là kiểu nghi môn trụ với bốn cột xây cao to, gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn, đỉnh trụ và thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức Thánh Lý Ông Trọng. Nghi môn nội (hay còn gọi là Tàu tượng) là một nếp nhà bốn mái, ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài, các góc uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Nghi môn nội mở 3 cửa lớn có cánh gỗ. Đây là nơi đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình 8 mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Khuôn viên Đình Chèm

Khu vực chính của đình Chèm gồm tòa tiền tế và tòa đại bái, hai tòa nhà này có kết cấu giống nhau và nối với nhau bằng hệ thống xà nách đỡ máng đồng. Mỗi dãy nhà gồm 5 gian, hai chái theo kiểu nhà 4 mái. Nội thất có 6 hàng chân cột gỗ đỡ mái, các cột đều được đặt trên chân tảng đá xanh. Trên các bộ vì ngắn, các bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét chạm mềm mại, trau chuốt, mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Lê – thế kỷ thứ 18. Đây là nơi bài trí hương án và các đồ tế khí quan trọng của đình Chèm, đồng thời cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng hàng năm cũng như trong dịp lễ hội.

Hậu cung đình xây liền với nhà đại bái bằng một nhà cầu nhỏ tại gian giữa, khu hậu cung gồm 3 dãy nhà nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Công”. Nhà ngoài và nhà trong nằm song song với nhau bằng nhà ống muống ở gian giữa. Đây là nơi tôn nghiêm nhất tại đình Chèm, đặt long ngai và tượng thờ của Đức Ông, Đức Bà cao khoảng 3,2m, hai bên là tượng 6 người con của Đức Thánh, còn gọi là Lục vị vương. Trong thánh phả nước Việt, Lý Ông Trọng đứng hàng thứ ba sau Thánh Tản và Thánh Gióng. Đình làng Chèm có lẽ là ngôi đình duy nhất ở nước Nam ta quay hướng về phương bắc. Hình như đó là cách dân Chèm biểu lộ thành ý với bà công chúa sống xa xứ nhưng rất mực yêu chồng và luôn hướng về nơi quê cha đất tổ.

Hiện đình Chèm còn lưu giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn phong thần cho ngài Lý Ông Trọng, 4 tấm bia đá, trong đó có 1 tấm thời Lê Cảnh Hưng và 3 tấm thời Nguyễn, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn. Đặc biệt là hệ thống máng đồng là di vật độc đáo, hiếm có ở các di tích khác, có niên đại thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Các công trình kiến trúc của đình Chèm được kết cấu bền chắc và bố trí hài hòa trong một tổng thể không gian rộng lớn. Những nếp nhà được làm đăng đối theo trục hoàng đạo Đông Bắc – Tây Nam. Xung quanh những công trình kiến trúc là những cây cổ thụ  cành lá sum suê, góp phần tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm cho ngôi đình thiêng hơn 2.000 năm tuổi.

Để tri ân công đức của Đức Thánh, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng 5 âm lịch nhân dân ba làng gồm: làng Chèm (nay là phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (phường Liên Mạc) cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống, có sự tham gia của nhân dân xã Đa Lộc (Ân Thi, Hưng Yên), làng La Tinh (Đông La, Hoài Đức). Nhắc đến hội Chèm, ca dao có câu:

“Thứ nhất là hội Cổ Loa

Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”

Lễ hội đình Chèm diễn ra trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch với các hoạt động như: rước nước từ sông Hồng về Đình Chèm; rước văn từ chùa Chèm về đình Chèm; lễ dâng hương hoa; Ba dân nhập tế. Làng Chèm đang đổi thay từng ngày trong sự đi lên của nền kinh tế đất nước nhưng vẫn lưu giữ được những nét văn hóa cũ, nếp sinh hoạt xưa của một làng Việt cổ và ngôi đền cổ kính trong một không gian hài hòa, gợi niềm thương nhớ cho những ai đã từng ghé thăm. Chè kho là sản phẩm đặc biệt của lễ hội Đình Chèm bởi nó gắn với lễ hội chay chỉ có chè kho, xôi trắng, hương hoa, quả được người dân trong làng cung kính dâng lên lễ thánh. Điều này thể hiện được sự tinh khiết thanh tao và khát vọng hòa bình của người dân xã Thụy Phương nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Lễ rước nước trong Hội đình Chèm

Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội đình Chèm được đánh giá cao khi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, đó là: Hội đình Chèm như một tổng hòa của nhiều tập quán xã hội được tổ chức gắn liền với truyền thuyết lưu truyền trong dân gian và trong sử sách về nhân vật Lý Ông Trọng có từ xa xưa và vẫn truyền tụng cho đến ngày nay... Hội đình Chèm là một trong những lễ hội kết hợp rất chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng với một tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp liên quan đến nước là cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an thông qua lễ rước nước. Về sau, nhân dân sáng tạo gắn Đức Thánh Lý Ông Trọng với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh: Ngài đã chém thủy quái trên dọc đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội đưa đến sự bình yên cho dân làng chài lưới. Hội đình Chèm phản ánh niềm tin tín ngưỡng của người Việt, không chỉ trong truyền thuyết Lý Ông Trọng mà còn là niềm tin Lý Ông Trọng hiện hình về phù hộ cho Cao Biền, cho các quan vua đời nhà Trần. Đây là một niềm tin tâm linh bất diệt và được ghi trong sử sách, truyền thuyết lưu truyền mãi đến các thế hệ sau. Bên cạnh việc phản ánh niềm tin, tín ngưỡng của người Việt về đức Thành Hoàng làng được nhân dân thờ phụng, trong Hội đình Chèm còn có sự tích hợp của nhiều tín ngưỡng khác. Cụ thể là sự giao thoa của Đạo giáo và Phật giáo, thể hiện ở việc trong dịp mở hội, nơi đây có treo cờ Phật và xuất hiện nghi thức cúng Phát tấu, cúng Phan, cúng Khai quang, cúng Quá độ; các vị sư tăng làm lễ cúng Phật, lễ thả chim... 

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm năm 2018

Với những giá trị tiêu biểu, đình Chèm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính Phủ quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.

Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, đình Chèm đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Với tình cảm và trách nhiệm trước những di sản văn hóa quý báu của cha ông, nhân dân địa phương đã chung tay cùng các cấp chính quyền gìn giữ, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa ý nghĩa này./.

Phương Thảo