Tin nổi bật
Sáng ngày 25/10/2024, phòng Tài chính - Kế hoạch Quận đã phối hợp với Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin tư vấn tài chính - Sở Tài chính Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn Tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thường Sơn – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND Quận; các đồng chí là lãnh đạo Trưởng, Phó các phòng, ban, ngành, đơn vị thuộc Quận; lãnh đạo UBND các phường và cán bộ làm công tác quản lý tài sản Nhà nước trên địa bàn Quận.
Đồng chí Nguyễn Thường Sơn – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND Quận phát biểu
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, đồng chí Nguyễn Thường Sơn – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND Quận cho biết, ngày 01/3/2024, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TT phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý. Việc tổng kiểm kê đối với các tài sản này là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực tài sản công trong nền kinh tế, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Để nắm bắt và triển khai Đề án đảm bảo chính xác, đúng quy định hiệu quả. Quận Bắc Từ Liêm tổ chức lớp tập huấn nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị. Buổi tập huấn có nhiều nội dung vô cùng thiết thực và hữu ích đối với các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về tài sản trong quá trình triển khai tại đơn vị. Phó Chủ tịch UBND Quận yêu cầu tập trung theo dõi, tiếp thu nghiêm túc, không làm việc riêng, ghi chép nội dung đầy đủ. Trường hợp nội dung nào chưa rõ đề nghị các đồng chí có ý kiến, đăng ký với Ban tổ chức để được Giảng viên giải đáp cụ thể, rõ ràng.
Đồng chí Lê Thị Ngọc Lan - Phó Chánh Văn phòng, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính
Tại đây, các đại biểu, học viên đã được nghe đồng chí Lê Thị Ngọc Lan - Phó Chánh Văn phòng, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức về kiểm kê, phân loại đối tượng, hạch toán tài sản và kê khai biểu mẫu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Việc kiểm kê được thực hiện theo chỉ tiêu hiện vật và giá trị của tài sản, ghi nhận hiện trạng quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại thời điểm kiểm kê. Các tài sản thuộc phạm vi kiểm kê có sự trùng lắp về cách phân loại, thì chỉ xếp vào một loại. Những tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng tại thời điểm kiểm kê chưa chuyển giao, thì thực hiện kiểm kê theo Đề án này.
Việc tổng kiểm kê tài sản công phải đảm bảo 5 nguyên tắc cơ bản. Một là: tài sản thuộc phạm vi kiểm kê do các đối tượng đang trực tiếp quản lý/tạm quản lý tại đơn vị đều phải thực hiện kiểm kê. Hai là: việc kiểm kê được dựa trên việc kiểm đếm thực tế tại thời điểm kiểm kê; so sánh, đối chiếu với số liệu theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán. Ba là: tài sản đang được theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán nhưng tại thời điểm kiểm kê thực tế không còn, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang theo dõi, hạch toán tài sản có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý; không tổng hợp giá trị của các tài sản này vào giá trị tài sản kiểm kê. Bốn là: việc tổng hợp kết quả kiểm kê được thực hiện theo nguyên tắc từ cấp dưới lên cấp trên; bắt đầu từ đối tượng trực tiếp quản lý/tạm quản lý tài sản tại thời điểm kiểm kê. Tài sản của cấp nào quản lý thì cấp đó có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện kiểm kê và tổng hợp báo cáo. Năm là: tài sản cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng thực tế tại thời điểm kiểm kê, việc xác định giá trị được thực hiện theo nguyên tắc: tài sản đã được theo dõi trên sổ kế toán thì xác định giá trị tài sản theo nguyên giá và giá trị còn lại trên sổ kế toán. Tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán thì đơn vị quản lý, tạm quản lý căn cứ vào các hồ sơ liên quan để xác định giá trị.
Trường hợp đã có quy định về bảng giá hoặc giá quy ước thì sử dụng bảng giá, giá quy ước đó và các thông tin về số năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ khấu hao/hao mòn tài sản theo quy định để xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản.
Thời gian tới, việc quản lý tài sản công phải được thực hiện trên nền tảng số, hồ sơ số, vì thế, công tác tổng kiểm kê lần này cũng giúp công tác số hóa tài sản công trở nên dễ dàng hơn./.
Tin-ảnh: Trần Dưỡng – Trọng Toàn