Bạn quan tâm nhất thông tin gì?
Đang online: 96
Tổng số truy cập: 8791724

Văn hóa - Thể thao Văn hóa - Thể thao

Quận Bắc Từ Liêm hưởng ứng Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XVII (23/11/2005 - 23/11/2021)
Ngày đăng 23/11/2021 | 22:21  | Lượt xem: 535

Lịch sử hào hùng của dân tộc được ghi dấu sâu đậm trong hệ thống các di sản văn hóa hết sức đồ sộ, đa dạng và phong phú. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa càng trở thành vấn đề cấp thiết. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể); Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; Giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”…

Hình ảnh: di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, phường Thụy Phương

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình thực tiễn, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.

Hình ảnh: truyền dạy đàn hát Ca trù cho câu lạc bộ Ca trù Xuân Đỉnh

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2005 tới nay, trải qua 17 lần tổ chức, Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của người dân quận Bắc Từ Liêm, trở thành "Ngày về nguồn” đầy ý nghĩa, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội nghị Kỷ niệm lần thứ XVII Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã ban hành văn bản số 3496/UBND-VHTT ngày 09/11/2021 về việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam trên địa bàn. Căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, một số hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam đã được triển khai thực hiện như: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mời nghệ nhân về truyền dạy kỹ năng đàn hát Ca trù cho câu lạc bộ Ca trù phường Xuân Đỉnh; Tham gia hội nghị kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội; Lựa chọn và khen thưởng cho 02 tập thể, 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn…

Hình ảnh: Câu lạc bộ Ca trù Xuân Đỉnh diễn xướng tại địa phương

Thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp, các ngành của Trung ương và Thành phố, sự nỗ lực cố gắng của các phòng ban chức năng Quận và UBND các phường, cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình và trách nhiệm của đông đảo quần chúng nhân dân nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm đã đạt được một số thành tích nổi bật như: Quận đã kiện toàn 12 Ban Quản lý di tích phường và 31 Tiểu Ban quản lý di tích tổ dân phố theo đúng Quy chế quản lý di tích của Thành phố; Chỉ đạo xây dựng các bộ phim khoa học, video, phóng sự tuyên truyền, quảng bá về các di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống tiêu biểu như: di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, Miếu Đồng Cổ, Lễ hội Bơi Đăm gắn với làng nghề truyền thống trồng hoa Tây Tựu...; Niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại 100% di tích; Đặc biệt, để đảm bảo công tác đầu tư chống xuống cấp di tích được thiết thực và đạt hiệu quả, UBND Quận đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND các phường tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng tại các di tích để thống nhất lên phương án chống xuống cấp kịp thời theo thứ tự ưu tiên (căn cứ theo giá trị của di tích, mức độ xuống cấp, quy mô tu bổ tôn tạo và khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa của mỗi di tích để đề xuất)...

Trong xu thế hội nhập văn hóa quốc tế và sự phát triển đô thị hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là việc làm hết sức cần thiết. Thời gian tới quận Bắc Từ Liêm tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền dạy, phục dựng không gian diễn xướng truyền thống; tuyên truyền, quảng bá để huy động mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóatiếp tục thực hiện dự án tổng kiểm kê và đánh giá hệ giá trị của di sản văn hóa để tiến hành phân vùng, phân loại làm cơ sở khoa học và pháp lý trong việc bảo tồn di sản văn hóa; sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, biên tập các ấn phẩm giới thiệu về vùng đất, con người Bắc Từ Liêm, các tư liệu hán nôm trong các di tích lịch sử; tiếp tục lựa chọn những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của  mảnh đất và con người Bắc Từ Liêm để lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di văn hóa phi vật thể quốc gia...

Tuấn Minh