Bạn quan tâm nhất thông tin gì?
Đang online: 166
Tổng số truy cập: 8790884

Văn hóa - Thể thao Văn hóa - Thể thao

Giá trị tiêu biểu của lễ hội truyền thống và phương án quản lý lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2022
Ngày đăng 29/12/2021 | 16:22  | Lượt xem: 703

Lễ hội truyền thống được khẳng định trên nhiều phương diện giá trị của cuộc sống, cuốn hút và hấp dẫn, được xã hội thừa nhận và trở thành một nhu cầu chính đáng của người dân. Những yếu tố tích cực, sống động của lễ hội góp phần bảo vệ sự đậm đà của bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức cộng đồng, cá nhân tham gia tổ chức lễ hội nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những giá trị tiêu biểu của lễ hội truyền thống được biết đến đó là tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng. Giá trị này thể hiện ở tính chất toàn bộ, toàn thể các hoạt động diễn ra trong suốt quá trình tổ chức và điều hành, quản lý lễ hội. Sức mạnh cộng đồng dù lớn hay nhỏ vẫn thể hiện vốn liếng văn hóa, sức mạnh văn hóa để tạo sự cố kết to lớn, để các cá thể trong cộng đồng có thể cộng mệnh, cộng cảm với nhau. Trong xã hội ngày nay, giá trị này càng có ý nghĩa lớn lao và vị thế quan trọng hơn.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\d7617a6330dcca8293cd.jpg

Hình ảnh Miếu Tây Tựu nơi diễn ra lễ hội Bơi Đăm truyền thống

Giá trị khác của lễ hội truyền thống là tính tự quản, tinh thần dân chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cũng hết sức được đề cao. Lễ hội truyền thống của dân, do dân mà có và quay trở lại phục vụ nhu cầu thiết thực cho đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Dân tự tổ chức, tự điều hành, tự dàn xếp dưới sự quản lý của nhà nước để lễ hội tại địa phương diễn ra êm xuôi, tốt đẹp, hoan hỉ cho nhiều đối tượng trong cộng đồng của họ.

Bằng những cách vận động quy ước cụ thể, bằng những tác động lên lòng tự hào, tự tôn của từng người dân, từng gia đình - dòng họ mà lễ hội trở thành một trong những nơi chốn, thời điểm để con người làng xã tham gia sáng tạo, tái hiện và hưởng thụ các nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng, thể hiện mối quan hệ giữa người với người, người với thần thánh, người với thiên nhiên và dĩ nhiên không thể thiếu mối quan hệ của con người với chính bản thân mình. Những giá trị đó thể hiện tinh thần dân chủ, tính tự quản một cách có ý thức nhưng tự nhiên, không gượng ép. Giá trị cân bằng đời sống tâm linh được chú trọng trong lễ hội. Thông qua các dịp tổ chức lễ hội, con người sống trong cộng đồng được thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, gắn với khái niệm thiêng liêng và phần nào giúp họ có được cảm giác thăng hoa trong cuộc sống. Không gian thiêng, thời gian thiêng của dịp lễ hội được coi là thời điểm mạnh góp phần tạo ra sự đối lập cân bằng cho con người vốn gắn nhiều với nhu cầu thực dụng của đời sống trần tục.

Description: Hà Nội: Trai làng Đăm đội mưa đua thuyền trên sông Pheo - Hànộimới
Hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Bơi Đăm, phường Tây Tựu

 

Một giá trị khác của lễ hội truyền thống không thể không nhắc đến, đó là tinh thần hướng về cội nguồn. Ngày nay, khi xã hội có nhiều biến đổi thì giá trị này càng có ý nghĩa to lớn. Thông qua hoạt động lễ hội, con người có xu hướng hướng về nơi chôn rau cắt rốn trong tâm thế “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… Người dân tham dự lễ hội cũng có nghĩa là trở về nguồn gốc quê hương bản quán hoặc gắn với các cuộc hành hương, du lịch. Trở về nguồn cội thông qua lễ hội còn là cách con người trở về với Bà Mẹ Tự Nhiên vĩ đại, hòa nhập phần nào với môi trường tự nhiên và truyền thống lịch sử xa xưa của dân tộc. Hướng về cội nguồn góp phần tạo nên tính nhân bản cho các lễ hội truyền thống.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\IMG_2374.JPG
Hình ảnh người dân tích cực tham gia các hoạt động lễ hội

 

Lễ hội truyền thống góp phần quan trọng trong công cuộc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ được bản chất đích thực của lễ hội truyền thống tức là giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc không bị hòa nhập, hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới. Lễ hội truyền thống đang phục hồi mạnh mẽ và được cả xã hội quan tâm từ nhiều góc độ. Trong mối quan hệ đa chiều với các lĩnh vực khác của đời sống hiện nay, việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống đòi hỏi việc tìm hiểu, nghiên cứu, quản lý, tổ chức... để công cuộc chọn lọc và bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của lễ hội truyền thống phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng hiện nay là một việc cần thiết.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên trong năm 2021 các lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội. Qua kết quả rà soát năm 2022 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 29 lễ hội truyền thống thường niên, trong đó có 07 lễ hội tổ chức nghi lễ rước gồm: Lễ hội Đình Chèm, phường Thụy Phương; Lễ hội Đình Giàn, phường Xuân Đỉnh; Lễ hội giao hiếu Kiều Mai - Phú Mỹ, phường Phúc Diễn; Lễ hội Đền Sóc, phường Xuân Tảo; Lễ hội đình Nhật Tảo, đình Đông Ngạc, đình Liên Ngạc, phường Đông Ngạc.

Để quản lý tốt các lễ hội truyền thống gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 27/12/2021 về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích và lễ hội năm 2022; Quyết định số 5322/QĐ-UBND ngày 27/12/2021 về việc thành lập 02 Đoàn kiểm tra công tác quản lý các lễ hội truyền thống năm 2022.

Bên cạnh đó, Quận đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thuộc Quận, UBND các phường bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân và du khách theo đúng quy định. Trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế cần chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8, Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 29/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND Thành phố về việc “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, căn cứ tình hình thực tế và kết quả đánh giá cấp độ dịch tại địa phương, Quận đã giao UBND các phường chủ động áp dụng biện pháp phù hợp, tổ chức các hoạt động đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ưu tiên các hoạt động trực tuyến để tuyên truyền, quảng bá di tích và lễ hội. Đối với địa phương có cấp độ dịch an toàn, phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác phòng, chống dịch thì việc tổ chức các lễ hội truyền thống năm 2022 cần đảm bảo thực hiện như sau: Chủ tịch UBND các phường chủ động căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức lễ hội phù hợp, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa  Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội; Giao Chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh bùng phát trên địa bàn; Các lễ hội truyền thống chỉ được thực hiện phần nghi lễ truyền thống (không tổ chức rước và các hoạt động hội như: các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…). Chỉ tổ chức trong 01 ngày; Không tập trung quá 20 người; 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vacxin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 theo quy định; Tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR; Những người thuộc diện cách ly/theo dõi sức khỏe/có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 không tham gia hoạt động trực tiếp; Có xét nhiệm âm tính với Sars-Cov-2 trong vòng 72 giờ…

Đồng thời, Quận cũng nhấn mạnh UBND các phường cần cập nhật thường xuyên các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của các cấp có thẩm quyền để xây dựng kế hoạch thực hiện sao cho phù hợp tại địa phương./.

Tuấn Minh