Tin cải cách hành chính
(BTLP) Sáng ngày 12/2/2020, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại điểm cầu quận Bắc Từ Liêm, có đồng chí đồng chí Trần Thế Cương - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận; Đồng chí Lưu Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND Quận; Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Quận.

Theo báo cáo tại hội nghị cho biết, Năm 2019, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực. Các hệ thống quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia sau thời gian ngắn triển khai đưa vào sử dụng; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được quan tâm... Đến nay, có 09/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trục liên thông văn bản Quốc gia đã kết nối, liên thông với 95/95 Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền. Cả nước có 55/63 địa phương thực hiện mô hình Trung tâm Hành chính công với tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt trung bình trên 95%. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn với cải cách hành chính; đẩy mạnh thanh toán điện tử; thực hiện liên thông dữ liệu Quốc gia theo mô hình chung của Chính phủ; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin phải được tăng cường. Phó Thủ tướng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc định hướng trong xây dựng Chính phủ diện tử, hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm dùng chung để đảm bảo thống nhất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: việc xây dựng Chính phủ điện tử phải huy động mọi nguồn lực, phải ưu tiên cho nguồn nhân lực, thể chế, công nghệ mới có thể đạt được thành công. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử phải tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025; năm 2020, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý xây dựng Chính phủ điện tử và các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử; triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn tài chính cần thiết cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử và gắn liền với giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh; nghiên cứu đề xuất xây dựng Trung tâm Giám sát Quốc gia về Chính phủ điện tử; Học viện Hành chính Quốc gia đưa nội dung Chính phủ điện tử vào chương trình đào tạo./.
Tin - ảnh: Trần Dưỡng - Trọng Toàn