Xem với cỡ chữ Đọc bài viết
Tính đến tháng 3/2023, Quận Bắc Từ Liêm có 164 tòa nhà chung cư đã đưa vào hoạt động; nhiều công trình, dự án đang được xây dựng, tốc độ đô thị hóa nhanh, thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) trên địa bàn.

Hiện nay, các chung cư, tập thể trên địa bàn Quận cơ bản được bố trí, lắp đặt khá đầy đủ trang thiết bị, vật dụng PCCC, tính năng hoạt động ổn định. Tuy nhiên, ý thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ của một bộ phận người còn hạn chế, mặt khác trang thiết bị chữa cháy còn thiếu đồng bộ, không được thường xuyên bảo dưỡng dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Do đó, việc xây dựng mô hình “Khu chung cư, Tập thể an toàn PCCC” là vô cùng cấp thiết. Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 của UBND Thành phố, ngày 28/2/2023, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kế hoạch số 147/KH-UBND về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn quận năm 2023. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm phạm pháp luật về PCCC&CNCH; chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác PCCC & CNCH trong tình hình mới; vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của chủ hộ gia định, cá nhân trong công tác PCCC & CNCH; các biện pháp phòng cháy, sử dụng phương tiện PCCC & CNCH khi có cháy nổ, xảy ra….đến chủ hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, căn hộ nhà chung cư, nhà tập thể…); cá nhân, thành viên của hộ gia đình. Kế hoạch còn hướng dẫn duy trì, xây dựng, nhân rộng các mô hình toàn dân tham gia PCCC, trong đó có mô hình “Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC” với các tiêu chí, như:
Xây dựng lực lượng tại chỗ gồm: Tổ trưởng TDP, Ban Quản trị, Chủ đầu tư (Trường hợp chưa thành lập BQT), chủ hộ gia đình tại các Khu chung cư, nhà tập thể, nhà có nhiều hộ. Trong đó phải có Quyết định thành lập lực lượng PCCC&CNCH tại chỗ (Đội PCCC cơ sở); Đội phải được huấn luyện nghiệp vụ, có giấy chứng nhận đảm bảo theo quy định. Có phương án huy động lực lượng tham gia chữa cháy, CNCH phù hợp với tính chất, đặc điểm của khu và tổ chức thực tập định kỳ hoặc khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng và phương tiện tại chỗ. Đối với Khu chung cư, nhà tập thể, nhà ở có nhiều hộ cần có đội PCCC cơ sở được trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo theo quy định; Ban hành, niêm yết các nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn về PCCC&CNCH. Ngoài ra, trang bị các hệ thống, phương tiện PCCC&CNCH cho công trình đảm bảo theo quy định và 100% người dân sinh sống và làm việc trong các khu chung cư, nhà tập thể, nhà có nhiều hộ phải được phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn về PCCC&CNCH. Đối với các hộ gia đình cần trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí C02), ít nhất 01 dụng cụ phá dỡ. Các thành viên trong hộ gia đình thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định, quy chế hoạt động của tổ liên gia, biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biết cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng Báo cháy 114. Mỗi hộ gia đình thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thoát nạn,…
Xây dựng mô hình “Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC” cũng yêu cầu tâp trung vào vấn đề chỉ huy tại chỗ. Chủ hộ gia đình, Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Đội trưởng Đội PCCC cơ sở, dân phòng (tại khu dân cư) hoặc người được uỷ quyền chịu trách nhiệm trong thời gian những người này vắng mặt để thực hiện công tác PCCC và CNCH, chỉ huy chữa cháy... Chủ hộ gia đình và các thành viên trong gia đình tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và thoát nạn đối với hộ gia đình mình. Người đứng đầu cơ sở, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp các đơn vị có liên quan (Công an cấp xã, Đội dân Phòng,…) định kỳ (06 tháng/lần) kiểm tra việc thực hiện các điều kiện PCCC tại cơ sở và các hộ gia đình.
Đối với hậu cần tại chỗ, sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí, điều kiện cần thiết phục vụ công tác PCCC và CNCH, cụ thể: Với hộ gia đình cần thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Khoản 1 - Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy; với cơ sở hoạt động trong khu dân cần thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, tham gia chữa cháy khi được huy động và với khu dân cư thì thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng để chữa cháy kịp thời các vụ cháy, nổ tại khu dân cư.
Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ "Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân" là yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác PCCC. Thời gian tới, việc xây dựng và tiến tới triển khai nhân rộng mô hình “Khu chung cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy” sẽ tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức, ý thức chấp hành quy định của Luật phòng cháy chữa cháy của người dân, góp phần lan tỏa phong trào toàn dân tham gia PCCC góp phần giữ gìn, bảo vệ cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho Nhân dân trên địa bàn./.
Phạm Nhung