thông tin tuyên truyền thông tin tuyên truyền

15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: Kết quả 15 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại (giai đoạn 2008 - 2023) – Phần 2
Ngày đăng 02/08/2023 | 15:58  | Lượt xem: 1935

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

3. Về phát triển văn hóa, xã hội

Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển. Giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng. Công tác quản lý báo chí, xuất bản, truyền thông được tăng cường. Công tác chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chuyển biến tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ. Việc ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành động, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương quốc tế nhất cho thể thao Việt Nam; thể thao quần chúng tiếp tục phát triển. Tại SEA Games lần thứ 31 và 32, Đoàn thể thao Hà Nội đóng góp gần 1/3 tổng số huy chương toàn đoàn Việt Nam.

 

 

Hà Nội nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đóng góp quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, Thành phố thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin, thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Lĩnh vực khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển, ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ năm 2016, Hà Nội luôn đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số công nghiệp Công nghệ thông tin.

An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển đồng bộ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt; từ năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.

4. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường

Hiện nay, Thành phố đang nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065,... Thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn. Việc cung cấp điện đảm bảo nhu cầu cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy được cải thiện đáng kể. Thành phố đang triển khai 04 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hạ tầng thoát nước được đầu tư, góp phần hạn chế úng ngập cục bộ kéo dài và đáp ứng tưới tiêu phát triển nông nghiệp,... Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại của Thủ đô. Công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường có chuyển biến; tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%; tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị.

 

5. Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường

Hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện. Đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, các hoạt động đối ngoại trên địa bàn. Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao; triển khai các mô hình 141, 142, tổng kiểm tra, kiểm soát hành chính ban đêm để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm. Lực lượng vũ trang Thủ đô đã tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 và là lực lượng xung kích, tuyến đầu trong thực hiện các giải pháp truy vết thần tốc, phong tỏa, tổ chức và quản lý các khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến của Thành phố...

6. Công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng

 

Hà Nội luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, thúc đẩy xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011 - 2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế. Hàng năm, lãnh đạo Thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế; duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp. Đối ngoại nhân dân được tăng cường; nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý được UNESCO vinh danh, đặc biệt sau kỷ niệm 20 năm “Thành phố vì hòa bình”, năm 2019, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của “Mạng lưới thành phố sáng tạo” với lĩnh vực đăng ký tham gia là “Thiết kế sáng tạo”; là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thủ đô Hà Nội triển khai đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành một thành phố sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy