Kinh tế Kinh tế

Tham quan thực tế mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý tại Đan Phượng
Ngày đăng 30/08/2023 | 15:52  | Lượt xem: 744

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nhằm phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất rau an toàn, trong hai ngày 26 và 29/8/2023, phòng Kinh tế Quận phối hợp Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và thuỷ sản Hà Nội tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ Cuối Quý tại thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng với sự tham gia của 180 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phường Minh Khai và Liên Mạc.

Các hộ nông dân tham quan thực tế mô hình hệ thống nhà lưới, hệ thống phun tưới tự động tại khu vực trồng rau

Tại khu vực sản xuất của Hợp tác xã, người nông dân đã được tham quan, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất theo phương pháp khép kín từ trong ra ngoài, phân bón sử dụng bón thúc cho rau là phân hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng béc phun sương, cùng hệ thống nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động…

Chị Đặng Thị Cuối – Giám đốc HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý chia sẻ kinh nghiệm diệt sâu bọ, nấm bệnh theo cách làm của người Nhật

Để bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau được Hợp tác xã Cuối Quý từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Với các loại rau ăn lá như: rau cải, xà lách, rau dền, rau muống … từ 15 đến 18 ngày sau gieo hạt là được thu hoạch, năng suất bình quân 500 kg/nhà màng 100 m2/lứa, giá bán 20.000 đồng/kg, một nhà màng sản xuất được trên 10 lứa rau/năm, đây là mô hình có thu nhập rất cao và ổn định. Ngoài ra, Hợp tác xã còn trồng nho kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Mô hình trồng nho kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm được HTX mở rộng, phát triển

Việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích. Nguyên nhân là sẽ tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học do không có sâu bệnh trong quá trình canh tác, giúp giảm nhiều chi phí. Mô hình đầu tư đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng và hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn quận.

Đây là hoạt động thiết thực giúp các hộ sản xuất rau trên địa bàn Quận học hỏi kinh nghiệm, chủ động kết nối với Hợp tác xã để được chia sẻ, hỗ trợ; Qua đó, các hộ mong muốn trong thời gian tới có thể áp dụng áp dụng quy trình canh tác của Hợp tác xã để phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái tại Bắc Từ Liêm./.

Hoàng Hiền