Chính trị
Năm 2025 sẽ diễn ra Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Một trong những nội dung quan trọng của công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp đó là xây dựng Báo cáo chính trị - Văn kiện trung tâm của Đại hội. Đây là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác; thể hiện tầm nhìn, khát vọng của Đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, công tác xây dựng Báo cáo chính trị cần phải được quan tâm, đầu tư xây dựng hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học và chuẩn bị từ sớm.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, Đại hội Đảng các cấp là cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội. Đại hội đảng các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ trên các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội; khẳng định những thành tựu, ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lĩnh vực đời sống xã hội trong nhiệm kỳ tiếp theo; bầu cấp ủy khóa mới - cơ quan lãnh đạo của cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội, bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và cũng là dịp để đưa ra những mục tiêu, dấu mốc mới trong quá trình phát triển của tổ chức đảng các cấp.
Trong các văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp, Báo cáo chính trị là một trong những nội dung quan trọng nhất, không thể thiếu của đại hội. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả. Báo cáo phải gắn kết nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới; tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng… Chính vì vậy, đại hội đảng bộ các cấp còn là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, khoa học, sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập rộng rãi góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi cấp bộ đảng.
Kết cấu, bố cục, tiêu đề các phần, mục trong nội dung của báo cáo chính trị vừa thể hiện nội dung các mặt công tác, nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, các lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, cũng thể hiện tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn, sự đổi mới, sáng tạo của các cấp bộ đảng, mà trước hết là của cấp ủy triệu tập đại hội và tiểu ban văn kiện (tiểu ban nội dung) của đại hội. Thông thường, kết cấu, bố cục của báo cáo chính trị thường 03 phần: (1) Tiêu đề (chủ đề) của báo cáo chính trị; (2) Phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ; (3) Phần phương hướng, nhiệm vụ. Để các nội dung trong Báo cáo chính trị được khoa học, đảm bảo chất lượng, Báo cáo chính trị phải đáp ứng các yêu cầu như: Báo cáo chính trị phải chính xác về nội dung chính trị, về nhận thức, về đánh giá, về các khái niệm, từ ngữ, số liệu; bảo đảm sự trong sáng của Tiếng Việt. Văn phong của báo cáo chính trị là văn phong chính luận, thể hiện rõ nội dung tư tưởng, sâu sắc, với lý lẽ và dẫn chứng ngắn gọn, xác đáng để thể hiện rõ từng vấn đề, nhằm mục đích dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ triển khai thực hiện. Báo cáo chính trị cần có cấu trúc hợp lý, ngoài việc đánh giá thực trạng, cần đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, chủ yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong nhiệm kỳ. Nguồn thông tin, số liệu để biên tập báo cáo chính trị thuộc tất cả các lĩnh vực phải chuẩn xác, chính thống…
Thời gian qua, xác định công tác xây dựng Báo cáo chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Quận lần thứ III, nhiệm kỳ 2025 - 2030, ngày 23/02/2024 Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm đã thành lập Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ III gồm 24 đồng chí do đồng chí Lưu Ngọc Hà - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Quận làm Trưởng Tiểu ban. Ngay sau khi được thành lập Tiểu ban Văn kiện đã họp các phiên họp lần thứ nhất, lần thứ hai đóng góp ý kiến vào: Dự thảo Thông báo phân công nhiệm vụ, Quy chế làm việc của các thành viên Tiểu ban; dự thảo Kế hoạch xây dựng dự thảo Văn kiện; dự thảo Đề cương tổng quát, Chủ đề, phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2025 - 2030…
Tin tưởng với công tác chuẩn bị sớm, nghiêm túc, khoa học, cùng với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu để vừa bảo đảm chất lượng công tác chuẩn bị Đại hội, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, công tác xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ hoàn thành đúng tiến độ, Báo cáo chính trị sẽ thực sự là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ và Nhân dân quận Bắc Từ Liêm.
Nguyễn Hảo