An ninh quốc phòng An ninh quốc phòng

Phòng chống xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
Ngày đăng 31/07/2020 | 11:07  | Lượt xem: 710

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Trong thời gian qua, tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, quận Bắc Từ Liêm nói riêng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tình trạng xâm hại đối với trẻ em gái. Loại tội phạm này thường có phương thức, thủ đoạn như sau:

1. Đối với hành vi bạo hành, xâm hại phụ nữ:

Đối tượng phạm tội thường là nguời thân trong gia đình ép buộc phụ nữ phải phá thai khi biết thai nhi là giới tính nữ, bắt đẻ con trai trong các gia đình chỉ có con gái; bạo hành về thể xác như đánh đập, bắt ép quan hệ tình dục, quấy rối tình dục tại công sở, nơi làm việc, nơi công cộng; bạo lực về tinh thần như thường xuyên chửi bới, đe dọa, gây sức ép buộc người phụ nữ phải làm việc họ không mong muốn…

2. Đối với hành vi xâm hại trẻ em:

Đối tượng phạm tội rất đa dạng về học thức, độ tuổi và thành phần xã hội. Chúng thường chọn trẻ em để dễ dụ dỗ, mời chào tham gia các trò chơi có tính chất đồ trụy, khơi gợi sự tò mò của các em tuổi mới lớn. Cũng có đối tượng đánh vào tâm lý đua đòi, thích hưởng thụ của trẻ em mới lớn (như cho tiền, quà tặng có giá trị, mua quần áo, điện thoại, đi chơi…) để dụ dỗ tham gia vào các trang "Web đen" có tính khiêu dâm. Dần dần chúng khống chế, bắt ép các em tham gia vào các đường dây mại dâm do các đối tượng điều hành. Ngoài ra, các đối tượng còn tìm cách làm quen qua mạng xã hội, trong quá trình học tập và sinh hoạt rồi tìm thời cơ không có người lớn đi cùng để xâm hại. Nhất là hiện nay đời sống được nâng cao, trẻ em được cha mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh, dễ dàng tiếp xúc với các chiều thông tin trên mạng, không được kiểm duyệt nội dung. Cũng có trường hợp trẻ em bị bạo hành trong các cơ sở nuôi dưỡng, các khu lao động tập trung. Tại đây trẻ bị đánh, bắt làm việc quá sức hoặc cũng có trường hợp bị quấy rối tình dục.Hiện nay, còn nổi lên tình trạng mại dâm, dâm ô đối với trẻ em nam. Đối tượng thường dụ dỗ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đua đòi để mua chuộc, bắt ép tham gia vào hoạt động mại dâm nam. Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và chưa biết tự bảo vệ bản thân.Đặc biệt, đối tượng còn lợi dụng lòng tốt, thương người của các em để giả vờ xin đi nhờ xe, chở đi mua xăng, về nhà gọi hộ người thân của đối tượng…để lừa vào nơi vắng vẻ để thực hiện hành vi xâm hại.

Hành vi phạm tội thường diễn ra trong thời gian dài, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lệch lạc về nhận thức của đối tượng và người bị hại. Đối tượng và người bị hại thường là quen biết, có trường hợp là người nhà, họ hàng, hoặc sống cùng chung cư, hàng xóm của người bị hại. Khi xảy ra các vụ việc bạo hành, xâm hại thì phụ nữ và trẻ em thường không dám nói ra với nhiều lý do như xấu hổ với họ hàng, bạn bè, sợ bị cười chê; nói ra cũng không được mọi người tin, chịu nhiều lời đồn đoán không hay, bị mất việc làm…nên những vụ việc xâm hại, bạo hànhphụ nữ, trẻ em thường bị bỏ qua. Hơn nữa, người phụ nữ và trẻ em khi bị xâm hại cũng chưanhận được sự tư vấn tốt về mặt tâm lý, dễ dẫn tới lựa chọn các biện pháp cực đoan.

Hiện Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố điều tra một sốvụ án liên quan đến hành vi giao cấu với trẻ em điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật.

Trước diễn biến trên, đề nghị người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm khi có sự việc xảy ra:

- Đối với gia đình có trẻ em đang trong độ tuổi đi học cần có biện pháp giám sát, quản lý con em mình, không để các cháu vào các trang Web chưa được kiểm duyệt, tự ý kết bạn qua mạng xã hội đối với người lạ. Cha mẹ không cung cấp, đăng tải thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội vì dễ bị đối tượng lợi dụng để phạm tội; Không để trẻ em đi một mình tại những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Khi có người lạ tiếp xúc cần gọi thêm bạn bè, người lớn hỗ trợ, không nghe theo lời người lạ.

- Cần tổ chức tuyên truyền pháp luật đến từng người dân, nhất là tại các trường học, khu công nghiệp để phụ nữ, trẻ em biết được quyền lợi của bản thân được pháp luật bảo vệ, khi sự xảy ra vụ việc xâm hại thì có các biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, dám nói lên tiếng nói của mình để bảo vệ mình và người khác.

- Khi có vụ việc xẩy ra, cần tích cực phối hợp với lực lượng Công an cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng.

- Đối với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp cần phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và quấy rối tình dục đối với phụ nữ là vi vi phạm pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

- Đối với nhân dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm tại nơi cư trú trong việc phát hiện, tố giác các vụ việc xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; Quản lý chặt chẽ đối với số trẻ em hư, vị thành niên trên địa bàn có biểu hiện ăn chơi, thường xuyên tụ tập, bỏ học, la cà quán Internet…có quan hệ với những đối tượng xã hội, trẻ em không phải người địa phương để kịp thời báo cơ quan chức năng xác minh, kiểm tra và có biện pháp phòng ngừa.

Khi phát hiện vụ việc cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc phản ánh ngay đến đường dây nóng: 0243.2242156 để lực lượng Công an kịp thời điều tra, bắt giữ, xử lý hoặc gọi đến số điện thoại 111 - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em./.

Công an Quận