Tin của Quận Tin của Quận

Tích cực hưởng ứng phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy”
Ngày đăng 24/08/2020 | 17:33  | Lượt xem: 873

Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu - và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút... sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, nếu không có những biện pháp cấp bách kịp thời, sự tồn tại của chúng trong tự nhiên sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe con người.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng không ngừng tăng lên, hiện đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Ðáng nói, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, cụ thể: năm 2016 nhập 18.548 tấn, năm 2017 là 90.839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng. Chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%. Thực tế, rác thải nhựa đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Thực hiện kế hoạch số 232/KH-UBND, về triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 16/01/2020 về phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; thu gom, phân loại các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc tái sử dụng để giảm thiểu khối lượng chất thải cần phải xử lý, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Sau một thời gian thực hiện, 100% các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tới toàn thể các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên chức, người lao động.  Đồng thời, tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon với môi trường, ảnh hưởng của rác thải nhựa đến sức khỏe con người và đề xuất biện pháp giảm thiểu đến cán bộ công nhân viên chức, người lao động và nhân dân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy”, không sử dụng ly, cốc, bình nhựa sử dụng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị.

Các cuộc họp của Quận đều không sử dụng nước uống đóng chai nhựa

Trên địa bàn Quận thực hiện “nói không với rác thải nhựa” bằng việc không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml đến 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (hơn 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy...và các vật liệu khác thân thiện với môi trường. Đồng thời không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc. Đặc biệt khuyến khích, phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng vận động người thân cùng tham gia thực hiện “Nói không với sản phẩm đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy”. Các hiệp hội vận động các cửa hàng, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn,... không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tuyên truyền, vận động khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng tự mang bao bì, túi đựng có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và nói không với túi ni lông. Vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ với UBND phường. Vận động, thực hiện mô hình khuyến khích các hình thức sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp; khu du lịch, danh lam thắng cảnh, nhà hàng, khách sạn; trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hoạt động của bến xe, đơn vị kinh doanh xe khách,... Khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải túi ni lông khó phân hủy, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

Trong các trường học, bước đầu tạo thành ý thức cho mỗi học sinh nhờ việc không còn bắt buộc phải dùng giấy nilon bọc sách, vở. Học sinh đã biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập. Phong trào vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện.

Những các đơn giản để giảm thiểu rác thải nhựa

 

Các phòng, ngành đã sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với mô hình của Đoàn thanh niên “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức đổi giấy, các loại rác tái chế như: nhựa, lon, vỏ hộp sữa,… để lấy cây hoặc một số sản phẩm xanh, tổ chức tập huấn phòng chống tác hại của rác thải nhựa, “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” được lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường./.

Diệu Linh