Tin của Quận Tin của Quận

Vòng đời của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và các phòng tránh
Ngày đăng 30/05/2019 | 10:51  | Lượt xem: 792

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue gây nên bênh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng. Bệnh thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7,8,9,10. Các ca bệnh xuất hiện nhiều tại các khu vực dân cư có nhiều nhà cho thuê trọ, khu kí túc xá sinh viên, khu vực vệ sinh môi trường kém nhiều hố nước đọng và phế liệu phế thải hoặc khu công trường đang xây dựng dở dang. 

1. Véc tơ truyền bệnh:

Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có thể tích trữ nước như: chum vại, bể, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, phuy chứa nước, dụng cụ chứa nước bằng nhựa, bát kê chân tủ đựng thức ăn trong bếp, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, giếng nước cạn, khay nước của tủ lạnh, lọ hoa ở trong nhà, các chậu hoa cây cảnh xung quanh nhà,…

Muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết là muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà. Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Description: Hình ảnh có liên quan
Ảnh minh họa (nguồn internet)

2. Vòng đời của muỗi vằn:

- Trong môi trường phát triển thuận lợi, chỉ sau khoảng 10 - 15 ngày, từ trứng muỗi, sẽ phát triển thành bọ gậy, lăng quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành. Chỉ có muỗi vằn cái hút máu người và có khả năng truyền bệnh Sốt xuất huyết.

-  Khoảng từ 1 - 3 ngày, trứng sẽ nở thành bọ gậy;

-  Khoảng  từ 5 - 8 ngày, bọ gậy phát triển thành con lăng quăng;

- Khoảng 2 - 3 ngày sau, con lăng quăng sẽ thành muỗi non, và tiếp tục chu trình phát triển thành muỗi trưởng thành.

- Vòng đời của muỗi vằn thường kéo dài khoảng từ 2 đến 4 tuần, phụ thuộc vào môi trường và điều kiện tự nhiên. Muỗi vằn thường không bay đi quá xa, và thường không bay quá 200m trong suốt vòng đời của nó.

Description: Hình ảnh có liên quan
Ảnh minh họa (nguồn internet)

3. Cách phòng bệnh Sốt xuất huyết: là phải diệt muỗi trưởng thành; loại bỏ nơi  đẻ trứng của muỗi vằn, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thả Abate (thuốc diệt bọ gậy) vào nơi nước tù, đọng.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa thường xuyên.

+ Cọ rửa các dụng cụ chức nước thường xuyên.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá, các hốc nước tự nhiên..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt bệnh nhân cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; người bệnh cần nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

  Trung tâm y tế Quận