Tin chính của Phường
Chèm là từ Việt cổ, gốc là ‘’T”lem’’, sau phiên ra âm Hán – Việt là Từ Liêm. Theo bài Minh trên quả chuông đúc năm 948 ở Đông Ngạc thì xa xưa, có một thôn Thượng Từ Liêm tức làng Chèm, và thôn Hạ Từ Liêm gồm hai làng Đông Ngạc và Nhật Tảo. Theo các bậc cao niên trong làng, xưa kia, làng còn có tên chữ là Thụy Điềm (một kiểu phát âm khác của ‘’T’ lem’’), sau đổi thành Thụy Hương, rồi lại đổi thành Thụy Phương. Như vậy, tên làng Chèm đã được Hán – Việt hóa để đặt cho tên cho huyện Từ Liêm được lập năm 621.
Hội Chèm diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày hội chính. Các nghi thức quan trọng của lễ hội đều được tổ chức tại Đình Chèm. Nói là hội Chèm, song đây không phải là hội của duy nhất làng Chèm, mà kỳ thực là của một cụm làng ven sông Hồng, vì ngoài làng Chèm còn có các làng Liên Mạc, Hoàng Mạc cùng tham gia với tư cách là hai làng em.
1.Đình Chèm:
Đình Chèm là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất nước Việt Nam. Từ ngàn năm nay, đình Chèm là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm của xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình Chèm là nơi thờ Đức thánh Chèm.
Cổng Đình Chèm
Làng Chèm là quê của Lý Ông Trọng, tên thật là Lý Thân, nhân vật có dáng vóc khổng lồ, sức khỏe phi thường, nổi tiếng nước Nam thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Theo lưu truyền dân gian, ông từng giúp An Dương Vuơng đánh thắng quân xâm lược.
Sau khi Lý Thân mất, dân làng lập đền thờ ông, sau sửa thành đình. Tương truyền, đình Chèm được dựng từ năm 715, khi đó gọi là đền. Năm 866, đình được tu sửa và có thêm tượng Lý Ông Trọng bằng gỗ trầm hương.
Sau đó, đình qua nhiều lần tu sửa, vào các năm: 1631, 1773, 1792, 1885, 1902, 1913. Vào năm 1902, đình được kiệu lên độ cao hơn hai mét bằng phương pháp thủ công để tránh nước lụt.
Đình là công trình kiến trúc, là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, kiến trúc hiện tại theo kiểu “nội công ngoại quốc” trên khu đất rộng ba mẫu. Nổi bật nhất là cổng tam quan ngoài, có bốn cột đồng trụ cao vút trên bờ sông Hồng. Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi; gian trong cùng của ngôi đình có hai bức tượng: tượng Thượng Đẳng Thiên Vương cao 2 trượng và bức tượng công chúa nước Tần – Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung cao trượng 8 có dư. Hiện ở đình Chèm vẫn còn lưu giữ chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm.
Đình Chèm hướng ra sông, dù đó là hướng Bắc, đây cũng là minh chứng cho thấy Đình không quy định theo một hướng nào mà cơ bản là theo phong thủy, hướng của Đình phải hướng về nơi có minh đường sáng sủa.
Không gian đình Chèm
2.Chùa Chèm:
Chùa thuộc xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội.
Chùa Chèm tên chữ là Hàm Long tự. Một tấm bia hưng công có niên đại Vĩnh Trị thứ 12 (1688) ghi rằng: cụ sinh đồ Nguyễn Đinh Ban, tên chữ là Pháp Trung cùng vợ là Nguyễn Thị Gái, hiệu là Từ Minh, người xã Thụy Phương đã hưng công làm các công trình ở chùa Hàm Long là tiên đường, thượng điện, nhà thiêu hương nội và ngoại, hậu phòng, gác chuông, hành lang bên tả, bên hữu, hai tòa tam quan nội, ngoại, 13 pho tượng và một quả chuông đồng… Vì thấy chùa chưa được đẹp, ông bà đã bỏ tiền nhà ra mua sắm gỗ lim, chọn tìm thợ giỏi xây dựng các công trình… như vậy chùa Hàm Long được xây dựng từ trước đó (trước năm 1688).
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao ráo thoáng mát. Tòa tiền đường được bố cục hơi khác biệt so với các ngôi chùa trong vùng, gồm 2 dãy nhà song song. Nếp ngoài 5 gian mặt bằng, 6 hàng chân cột, các cột đều tạo bằng cột vuông xây bằng gạch, đỡ các vì kèo chồng giường, nếp nhà này làm kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái. Mái thượng lợp ngói mũi hài, các cốn nách đều được chạm khắc.
Hậu cung, nhà giải vũ, tam quan (gác chuông) nhà Mẫu đều có kết cấu thanh thoát hài hòa.
Tượng Phật gồm 30 pho được làm bằng gỗ và đất sét, vào những thời kì khác nhau. Tượng Di Đà Tam Tôn. Thế Tôn, Quan ÂM Chuẩn Đề, Ca Diếp được làm vào thời Lê trung hưng. Một số pho tượng làm vào thế kỷ 18, 19 và 20.
Chùa Chèm hiện nay là một ngôi chùa còn khá nguyên vẹn theo bố cục và cấu trúc thời xưa. Các công trình kiến trúc của chùa được bố trí hài hòa trong một khuôn viên khép kín, ấn hiện dưới những cây cổ thụ. Những pho tượng trong chùa là một bộ sưu tập tượng tròn có giá trị cao. Nhiều pho tượng thực sự là những tác phẩm Mỹ thuật hoàn hảo. Trong chùa còn lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị.
Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 29.1.1993.
Hiện nay chùa đang trong gian đoạn sửa chữa và tu bổ vì nhiều công trình đã bị xuống cấp, trong đó cổng tam quan nhà nhà tổ đang được xây dựng mới.
3.Cổng nhà -tường rào:
Làng Chèm: Nơi đây còn lưu giữ được nhiều cổng nhà cổ rất đẹp( có những cổng được xây dựng từ năm 1925 ).
Các cổng nhà đẹp cũng đã bị tác động nhất định bởi sự phát triển mới trong làng.
Chèm hiện nay đang có những biến đổi lớn, nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan truyền thống bị mất dần. Những ngôi nhà cỏ, cổng nhà kiểu truyền thống bị thay thế bởi các kiểu kiến trúc mới. Rất cần sự quan tâm, nhận thức đúng của mọi người với các giá trị di sản trong ngôi làng này.
Theo Di sản làng việt