du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Tìm hiểu về giá trị di tích - lễ hội đình Kiều Mai, phường Phúc Diễn
Publish date 11/06/2020 | 09:04  | View Count: 3645

Di tích Đình Kiều Mai thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đình Kiều Mai là tên gọi theo địa danh thôn Kiều Mai xưa thuộc phường Phúc Diễn. Đình Kiều Mai nằm ở phía tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 11km. Muốn tới thăm di tích du khách có thể đi bằng nhiều phương tiện, theo nhiều tuyến đường khác nhau. Nếu tính từ trung tâm Hồ Hoàn Kiếm thì đi theo đường Tràng Thi - Nguyễn Thái Học - Kim Mã qua Cầu Giấy tiếp tục theo hướng Quốc Lộ 32 qua Cầu Diễn khoảng 1km rẽ trái là đến lối vào đình.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\1.jpg
Hình ảnh Đình Kiều Mai, phường Phúc Diễn

 

Kiều Mai là một vùng đất cổ có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời. Dấu ấn văn hóa của thời dựng nước còn lưu lại qua tục thờ vị phúc thần Bạch Hạc Tam Giang - người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Vương triều Hùng hồi đầu công nguyên đời Hùng Duệ Vương.

Tồn tại qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc đình Kiều Mai lại ghi thêm những sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Trước Cách mạng tháng Tám đình là trụ sở truyền bá chữ quốc ngữ cho toàn dân và là cơ sở hoạt động bí mật, nơi tập hợp lực lượng toàn dân chuẩn bị cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội và Hà Đông. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi hoạt động bí mật của Việt Minh. Trong cải cách ruộng đất, đình Kiều Mai là trụ sở hội họp của cuộc cải cách ruộng đất của địa phương. Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, đình Kiều Mai là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.

 

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\IMG_2177.JPG

 

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\IMG_2374.JPG
Một số hình ảnh hoạt động tại lễ hội đình Kiều Mai, phường Phúc Diễn

Trước kia, hàng năm dân làng thường mở hội vào ngày 10 tháng 2. Theo bản giao ước viết ngày 11 tháng Giêng năm Duy Tân thứ 5 (1911) Kiều Mai thôn kỳ mục, lý dịch họp ở đình lập giao từ sự nói rằng: “Nguyên dân Phú Mỹ cùng thôn ta giao hảo vào ngày 7 tháng Giêng rước thánh xuống Phú Mỹ tế xong lại rước về. Tục này xưa vẫn được truyền lại. Sở dĩ có tục này vì làng Phú Mỹ thờ Ả Lã Nàng Đê, còn làng Kiều Mai thờ em ruột Ả Lã là Quốc Công. Hai chị em Ả Lã quê ở làng Yên Lộ (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã mộ quân theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, ngày 8 tháng Giêng là ngày sinh của Ả Lã nên làng Kiều Mai mới rước em lên thăm chị vào ngày mùng 7 và sau đó vào ngày 10 tháng 2 âm lịch dân làng Phú Mỹ lại rước Ả Lã xuống Kiều Mai. Đây là một tục tốt có sự giao hiếu giữa hai làng ở hai bên bờ sông Nhuệ. Đám rước thể hiện hai chị em mộ quân khởi nghĩa. Trong các ngày hội dân múa hát 3 ngày, tỏ lòng biết ơn hai chị em đều hy sinh thân mình vì đất nước. Vì thời gian tồn tại từ sớm, trải qua những biến động đổi thay của lịch sử nên những văn bản ghi chép về sự tích của vị Quốc Công không còn, nhưng trong tập tục của nhân dân Kiều Mai cho đến nay vẫn gìn giữ mối giao hiếu giữa hai thôn Kiều Mai - Phú Mỹ. Đặc biệt trong những ngày Hội làng của thôn Kiều Mai xưa có tục thi xôi cây của hai Giáp Đông và Đoài, giáp nào cũng phải thổi xôi trắng, chất cao lên theo cột đan vòng bằng tre như cái mũ, giáp nào chất cao hơn, xôi trắng hơn thì đạt giải.

Đình Kiều Mai tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo và thoáng mát, đình được xây dựng quay mặt về hướng đông nam với nhiều thành phần kiến trúc tạo thành. Phía trước là giếng đình, theo tài liệu của các cụ cho biết: giếng khơi này có từ thời hình thành Mai Trang Trại. Giếng làm rất kiên cố, từ mặt đất tới đáy sâu độ 5m, xây bằng loại gạch vồ, mỗi viên dài 30cm, rộng 20cm, dày 15cm, trên miệng lát bằng đá xanh sẫm, đục đẽo thành 2 vòng bán nguyệt chắp lại thành miệng giếng. Giếng có một mạch nước rất tốt, không bao giờ cạn. Hiện nay nhân dân quanh vùng vẫn có nhà sử dụng. Căn cứ vào lớp gạch vồ lát giếng có thể đoán định giếng được bó gạch và mang dáng dấp vào thời Hậu Lê.

Sau giếng đình là khu vực sân đình. Sân đình lát gạch bát đỏ, rộng thoáng bao quanh 3 mặt của khu kiến trúc chính và cây đa cổ thụ trên sân, bên phải sân được xây tường hoa bao quanh, bên trái sân để trống liền kề khu vực ao đình, tạo thành không gian rộng rãi rất mát mẻ. Bên mép sân phía trước đình là 2 dãy nhà giải vũ song song quay mặt vào phía trong rộng 4m, tạo thành khoảng sân bên trong, lát gạch bát màu đỏ, hai hồi phía ngoài của 2 nhà giải vũ xây 4 trụ biểu, 2 trụ giữa cao ngang nóc mái, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, thân trụ đắp gờ, phía trên là lồng đèn, trên lồng đèn đắp hình 4 con chim trĩ, đầu phía dưới quay ra 4 phía, 4 đuôi phía trên xòe ra tạo thành đỉnh trụ. Hai trụ bên thấp hơn, phía trên đắp hình lồng dèn, đỉnh trụ đắp hình nghê.

Hai dãy nhà giải vũ, mỗi dãy gồm 5 gian xây kiểu đầu hồi bít dốc, mái lợp ngói ta, các bộ vì làm kiểu “thượng giường hạ kẻ, quá giang cột trốn”, gác lên tường hậu và trụ hiên phía trước. Kiến trúc kiểu đơn giản, phía sau và 2 hồi xây tường gạch, phía trước để trống.

Tiếp nối hai hồi của dãy nhà giải vũ là kiến trúc chính - tòa đại đình. Tòa đại đình được làm trên nền cao khoảng 30 cm so với mặt sân. Từ sân lên xây bậc tam cấp bằng đá liền khối, hai đầu chạm nổi 2 con hổ phù, miệng ngậm, mắt mũi lồi, đỉnh đầu chạm 4 đường vân xoắn, 7 túm tóc, đuôi tóc xoắn hình tròn, cằm chạm hình vân xoắn. Hai bậc đá này nguyên trước kia là bậc lên xuống ở nhà vuông 8 mái cách đình hiện nay 3m. Căn cứ vào phong cách trang trí của bậc đá tam cấp này có thể đoán định niên đại của nó vào giữa thế kỉ 18.

Khác với các ngôi đình làng quanh vùng, đại đình Kiều Mai mở đầu cửa hồi theo chiều dọc đình. Tòa đại đình một nếp nhà năm gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nột thất bên trong gồm 5 gian, hai trái mặt bằng sau hàng chân, các chân cột gỗ đặt trên các chân tảng bằng đá hạt mịn. Chân tảng làm kiểu trên tròn dưới vuông. Các cột gỗ tạo kiểu: “Thượng thu hạ thách’, mái phân “Thượng tứ - hạ ngũ”. Ba thức vì gian giữa làm theo kiểu: “Thượng chồng giường – hạ kẻ cốn mê bẩy hiên”. Hai vì gian phía trước được làm theo kiểu “chồng giường, giá chiêng, bẩy hiên”. Nền nhà lát gạch.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\IMG_1659.jpg
Hình ảnh một phần kiến trúc đầu đao tại Đình Kiều Mai, phường Phúc Diễn

Trang trí trên kiến trúc tòa đại đình được tập trung phần mái và trên các bức cốn mê. Đầu hồi phía trước trang trí hình mặt nguyệt, dưới mặt nguyệt là hình hổ phù, hai góc bờ dải đắp hai con nghê quay đầu vào sân, dọc theo bờ dải trước kia trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt nay đã bị hỏng, thay bằng hai con long mã. Hai góc đao phía trước đắp chữ triện hóa long, nay đắp kiểu hoa lá, vỉ ruồi hay còn gọi là đầu đốc trang trí hình văn xoắn, chạm nổi trên gỗ, bờ nóc để trơn không trang trí. Các đầu bẩy gỗ gian trái phía trước cửa đình trang trí hoa văn chữ thọ, hai má bẩy gian giữa trang trí chạm nổi hình rồng, miệng há, mắt lồi, sừng nghê, tai trâu, hàm có bốn túm râu, mũi có vòi xoắn năm túm tóc, thân có vảy, chia 5 khúc, đuôi xoắn, chân bốn móng, xen lẫn hình rồng có các cụm và dải mây xoắn. Hai má bẩy hiên phía ngoài trang trí hoa văn thực vật, vân xoắn đao mác. Nghé bẩy hiên bên phải gian giữa chạm hình lá đề và cánh sen nổi. Hai bức cốn nách gian giữa ngoài hiên hai mặt phía trong trang trí tứ linh, rồng cuốn thủy, cá chép, rùa hoa sen, long mã chở hà đô, rồng đuôi xoắn. Mặt ngoài của cốn bên trái chạm tứ quý, mặt ngoài của cốn nách bên phải chạm tùng lộc.

Hai bức cốn gian giữa trong đình phía trước chạm rồng, lân, rồng ổ, chân rồng rẽ mây vân xoắn, hoa văn thực vật. Hai đầu dư xà góc trang trí hình đầu rồng. Câu đầu trên bộ vì gian giữa bên phải phía trước trang trí hoa văn thực vật, văn hình học và khắc dòng chữ “Kiều Mai thôn phụng từ”. Bộ vì gian giữa của cung thờ chạm khắc sơn son thiếp vàng, đấu kê sát thượng lương chạm hình bán nguyệt nối với mặt trong của vì thành một hình đài sen hơi tròn, các cánh sen chạm thủng. Đặc biệt hơn các mảng cốn vì thượng (vì nóc) trang trí chạm nổi, chạm thủng hình tứ linh: long, ly, quy, phượng. Thân câu đầu chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, mỗi bên mặt nguyệt có 2 đao lửa rồng mũi hếch, trán cao, mắt lồi, miệng há, 2 túm râu xoắn, 7 lớp tóc hất về phía sau, thân rồng tròn, uốn lượn tạo thành 6 khúc, đuôi thẳng mềm mại, chân rồng 5 móng.

Hai bên cốn nách phía trên chạm thân và đuôi rồng nối với đầu dư qua thân cột cái tạo thành hình rồng hoàn chỉnh mà nhiều mảng trang trí trên các kiến trúc ngôi đình khác ít có. Cốn nách chạm rồng ổ. Của võng sơn son thiếp vàng trang trí lưỡng long chầu nguyệt, 2 riềm bên chạm phượng, riềm dưới chạm long mã, hoa lá. Riềm trên trang trí hoa văn nền gấm ở giữa khắc 4 chữ: thánh, cung, vạn, tuế (thế kỷ 19). Cốn bên trái trang trí tứ linh, cửa võng trong hậu cung trang trí lưỡng long chầu nguyệt, mặt nguyệt có tia đao lửa, rồng đuôi xoắn. Hai gian phía trong là nơi đặt cung thờ. Cung thờ được tạo dựng thành các cột gỗ, xung quanh lắp ván bưng, sàn gỗ. Từ nền nhà lên sàn cung thờ xây 5 bậc gạch. Trong cung đặt khám thờ, cùng long ngai, bài vị của Thành hoàng. Nhìn chung kiến trúc đình khá đặc biệt, còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19.

Đình Kiều Mai là một di tích lịch sử văn hóa cổ kính, có liên quan mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân làng xã truyền thống. Qua thời gian dài tồn tại, quy mô bề thế và vẻ đẹp cổ xưa của ngôi đình làng tuy không còn bảo lưu được nguyên vẹn, song bản thân di tích vẫn là một vốn cổ quý giá trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Giá trị của di tích được biểu hiện rõ nét trên nhiều mặt, ở nhiều phương diện, từ nội dung lịch sử, ý nghĩa khoa học đến bản thân khối kiến trúc hiện còn:

Giá trị về lịch sử văn hóa:

Đình Kiều Mai là một di tích có niên đại ra đời sớm ở nước ta. Cùng với thời gian bề dày lịch sử của di tích ngày càng được bồi đắp dày thêm. Dấu ấn của các vương triều quân chủ còn in đậm trong ngôi đình cổ. Di tích là một sản phẩm lịch sử của tổ tiên truyền lại cho hôm nay.

Khối kiến trúc cổ kính này sẽ góp phần tìm hiểu nhiều mặt của lịch sử văn hóa nước nhà về sự tồn tại và phát triển của một làng quê truyền thống và các mặt phát triển của văn hóa lễ hội, những tập tục lễ nghi, tinh thần tự hào dân tộc quê hương đã sản sinh, suy tôn những người con có công với dân với nước.

Đình Kiều Mai là nơi tưởng niệm về một nhân vật quan trọng của thời dựng nước là thần Bạch Hạc Tam Giang. Theo sử sách và ngọc phả ghi lại thì thần là người có công trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Nằm trong hệ thống thần thoại của thời dựng nước, nên sự tích của thần cũng nằm trong khuôn mẫu chung phản ánh nguồn gốc tiên rồng của dân tộc ta.

Trở lại lịch sử nước nhà, những vị thần tiêu biểu của thời Hùng Vương như: Tản Viên Sơn Thánh, Bạch Hạc Tam Giang, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thần là những biểu tượng cao đẹp, tiêu biểu cho sức sống mạnh mẽ về lịch sử dài lâu của dân tộc.

Giá trị về kiến trúc nghệ thuật:

Đình Kiều Mai có những nét đẹp độc đáo riêng so với những kiến trúc khác hiện còn. Những nét đẹp cổ kính này được khẳng định qua sự tồn tại của các mảng chạm thuộc thế kỷ thứ 17, 18 và sự nguyên vẹn của hệ thống ván bưng, sàn nhà hậu cung. Đó là những tư liệu rất có giá trị trong việc tìm hiểu về thời điểm ra đời, về quá trình phát triển của kiến trúc đình làng.

Đình nằm trong số ít những kiến trúc cổ Việt Nam quay mặt ra phía hồi, thờ cúng theo chiều dọc. Vết tích của phương đình và tam cấp đá chạm khắc hổ phù rất công phu điêu luyện, vừa là 1 hiện vật độc đáo hiếm thấy trong kho tàng kiến trúc Việt Nam, vừa độc đáo về mặt tạo hình. Đây là bằng những chứng cho thấy từ rất sớm vào thời Hậu Lê. Nếu so sánh đình Yên Phụ thì đình Kiều Mai còn giữ được nhiều nét đẹp cổ kính và nhiều kiến trúc có giá trị. Đình Kiều Mai thể hiện vẻ đẹp nguyên vẹn của một ngôi đình cổ có “cây đa, giếng nước, sân đình” và tồn tại vững chắc trên khu nền cao và tôn thêm vị trí của vị thần hoàng làng.

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình được thể hiện sinh động, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao. Nhiều mảng chạm các đề tài quen thuộc tứ linh “long, ly, quy, phượng” và tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”.

Đình Kiều Mai tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam ở thế kỷ 17. Những bức chạm này ngoài việc góp phần vào việc tìm hiểu tiến trình lịch sử và nghệ thuật nước nhà. Qua đó còn phản ánh nhiều mặt về quan niệm tư tưởng của con người sống dưới chế độ quân chủ phong kiến. Sự tập trung của các bức chạm rồng ổ phải chăng là nhu cầu ước vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người nông dân sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của thế kỷ 17, 18.

Ngoài ra trong đình còn có các di vật quý hiếm mang giá trị thẩm mỹ cao như cỗ long ngai, bài vị, sập thờ chân quỳ dạ cá, cửa võng sơn son thiếp vàng…cuốn ngọc phả ghi chép sự tích thần hoàng làng, hoành phi, câu đối là những tư liệu quý cho việc tìm hiểu phong tục, nghi lễ, tập quán tốt đẹp của địa phương. Những giá trị ở trên đã cho thấy đình Kiều Mai là một di tích lịch sử văn hóa quý cần được bảo tồn và phát huy tác dụng. Ngôi đình là niềm tự hào, nơi lưu giữ những truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và củng cố mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư làng xã. Nơi giáo dục truyền thống yêu nước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn cho muôn đời con cháu về sau.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di tích, UBND quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, Thành phố và chính quyền nhân dân địa phương nghiên cứu tìm hiểu, lập hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý công nhận và xếp hạng cho di tích. Với những giá trị tiêu biểu của mình, đình Kiều Mai đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 921/QĐ/BT ngày 20/7/1994. Đây là sự ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước đối với di tích và nhân dân Kiều Mai và cũng là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung, phường Phúc Diễn nói riêng. Từ dấu mốc quan trọng này, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong Quận càng thể hiện quyết tâm bằng các hành động cụ thể, thiết thực, tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là giá trị di tích và lễ hội tại Đình Kiều Mai, phường Phúc Diễn để xứng tầm là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia./.

                                                          Phùng Toản