du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Những nét độc đáo trong kiến trúc nghệ thuật Đình Giàn
Publish date 10/11/2021 | 17:11  | View Count: 1642

Di tích Đình Giàn hay còn gọi là đình Cáo Đỉnh (là cách gọi theo tên nôm xưa) nay thuộc tổ dân phố Cáo Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đình Giàn cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, nhìn về hướng Tây trên trục đường lên cầu Thăng Long.

Đình Giàn thờ Lý Phục Man, một vị tướng tài của Lý Nam Đế, một danh nhân đã có nhiều đóng góp với lịch sử dân tộc hồi thế kỷ thứ VI. Lý Phục Man là người làng Cổ Sở (nay là làng Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ngay từ nhỏ ông đã có chí anh hùng bao chùm thiên hạ, tài nghệ hơn người, đặc biệt là sở trường về bắn tên. Đến khi theo Lý Nam Đế, nhà vua thấy ông khí phách hiên ngang nên cho theo việc trinh chiến và đã lập nên nhiều chiến công lớn trong việc đánh đuổi giặc Lương xâm lược. Sau khi đất nước được giải phóng, ông được Lý Nam Đế phong làm Đại tướng quân và được cử đi trấn thủ vùng cổ động, Đường Lâm. Đến khi quân Lâm ấp vào xâm lược, ông đã thống soái các tướng lĩnh, quân đội và đánh thắng giặc. Về sau, do có công bình phục giặc Man nhiều lần nên ông được Lý Nam Đế đặt tên là Phục Man, ban cho quốc tính nên gọi là Lý Phục Man và gả công chúa (tức Lý Nương Đại Nương), thăng cấp thiếu úy, làm quan triều đình. Sau này trong một trận đấu với quân đội nhà Lương do Trần Bá Tiêm cầm đầu kéo sang xâm lược nước ta, trước cảnh bị bao vây, lương thực thiếu thốn, không quân tiếp viện, Lý Phục Man đã tự vẫn. Gia nhân vô cùng thương xót, mang thi hài ông về táng ở Hồ Mã bên sông Cổ Sở. Đến đời vua Lý Thái Tổ, trong một lần đi xem xét các địa phương, đến bến Cổ Sở thì mộng gặp Lý Phục Man nên đã hạ lệnh cho lập đền và tô tượng, hàng năm tế tự. Tưởng nhớ công lao của Lý Phục Man đối với đất nước, nhân dân đã lập đề thờ tôn ông làm Thành Hoàng của nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Theo truyền thuyết của dân làng Giàn, nhân vớt được cây gỗ quý trôi dạt đến, đã dùng nó để xây đền và tới Sấu Giá (nay thuộc huyện Hoài Đức) để xin tôn hiệu, bài vị của thần để thờ. Từ đó hai làng vẫn có liên hệ mật thiết qua những ngày hội làng, tưởng nhớ tướng quân Lý Phục Man.

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh đình Giàn\ImageHandler_007.jpg

Lễ hội đình Giàn, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

Hội làng Giàn tổ chức hàng năm từ mồng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch và tổ chức năm năm một lần hội chính. Mở đầu bằng lễ rước nước từ cái giếng cổ về đình để tiến cúng thần hoàng. Hôm sau làm lễ rước kiệu Ông, kiệu Bà sang chùa Thiên Phúc và dâng hương. Ngày thứ ba lại rước hai kiệu ra miếu Mẫu (thờ mẹ Lý Phục Man) rồi rước trở lại đình.

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh đình Giàn\Dinh-Gian-675x400.jpg
Khuôn viên di tích đình Giàn, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

 

Đình Giàn toạ lạc trên một khu đất cao, rộng rãi trong khu vực dân cư. Các bộ phận cấu trúc thành di tích bao gồm một ao rộng phía trước, sân, vườn và khu kiến trúc có nhiều nếp nhà ngang dọc. Đình Giàn có bố cục hình chữ Công gồm hai dãy nhà ngang và một nếp nhà dọc tạo thành. Tuy nhiên do được xây bao kín và quy mô của hậu cung tương ứng nhà thiên hương nên nhìn từ bên ngoài di tích có kết cấu chữ Đinh. Kiểu kết cấu kiến trúc, bố cục mặt bằng này phảng phất bóng dáng của một nôi đền cổ trước đây.

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh đình Giàn\tải xuống (1).jpg

Description: D:\TIN BAI\TIN BAI 2021\Ảnh đình Giàn\tải xuống.jpg

Khu vực sân nhà đại đình, đình Giàn, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

Nhà đại đình (được dân làng gọi là tiền tế) gồm năm gian hai dĩ xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mái đình lợp ngói ta, mặt trước của ba gian giữa mở ba cửa lớn hình chữ nhật, hai gian bên xây tường bao, năm bộ vì được làm thống nhất theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Trên mỗi vì hai cột cái được làm dạng cột trốn đặt trên một quá giang to, dày. Hàng hiên hẹp. Nền nhà đại đình được tôn cao 50cm so với mặt sân phía trước, hai gian hồi xây bệ gạch cao 30cm để làm chỗ ngồi cho các giáp mỗi khi có việc làng.

Nối giữa tòa đại đình và cung cấm là dãy nhà dọc năm gian rộng lòng. Chiều ngang của lớp nhà này tương ứng với ba gian giữa đại đình. Các bộ vì trong nhà thiêu hương được làm theo ba dạng khác nhau, vì ngoài cùng sát nhà đại đình kiểu kẻ chuyền, ba vì giữa làm theo thức thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ trên bốn hàng chân, vì trong cùng được chồng khít lên nhau để tạo thành cốn giường. Gian trong cùng được xây cao hai tầng mái, rất giống với kiến trúc của một phương đình. Đầu các đao đắp nổi hình rồng hướng về nóc mái, bờ dải có các hình long mã, bờ nóc đắp hình chữ đinh, giữa có hàng hoa chanh bốn cánh. Phần cổ diêm giữa mái thượng và mái hạ trổ những ô cửa nhỏ hình chữ nhật. Lòng nhà thiêu hương được lát gạch màu đỏ nhạt, khoảng rộng giữa hai hàng cột cái đặt các hương án, bàn thờ thần, khoảng hẹp giữa cột cái và cột quân để trống tạo thành lối đi trong lúc hành lễ.

Kiến trúc hậu cung có niên đại muộn hơn hai ngôi nhà phía trước. Đây là một nếp nhà ngang, rộng ba gian. Nhà được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, ba bộ vì đỡ mái làm theo kiểu kèo cầu quá giang. Mặt trước của hậu cung mở ba cửa thông với nhà thiêu hương. Trong lòng nhà, hai gian bên để trống, gian giữa xây bệ gạch cao để đặt khám thờ long ngai, bài vị của thần. Phía trước khám có hai tượng phỗng hướng mặt vào nhau để làm tăng thêm sự trân trọng của mọi người đối với vị thần của làng.

Trang trí trong đình cũng khá đặc sắc. Ở đại đình và hậu cung, các vì được bào trơn, bào soi để tạo ra sự thanh thoát, nhẹ nhàng cho bộ khung nhà thì ở nhà thiêu hương lại tập trung trang trí những mô típ hoa văn truyền thống biểu thị sự quan tâm, ngưỡng vọng của con người đối với thế giới thần linh. Tại lớp nhà này, các đầu kẻ được chạm nổi hình rồng mây, rồng lá, các rường thể hiện vân mây, vân thực vật bằng kĩ thuật chạm nổi, bong kênh. Trong hệ thống trang trí tại khu nhà này, quan trọng nhất là những bức chạm trên cốn của bộ vì chồng rường. Trên bộ vì này, cốn rường bên trên chạm nổi mặt hổ phù lớn đang ngậm vành trăng, hổ phù có mũi nở, mắt lồi, râu và tóc hình dao mác tạo vẻ hung dữ của linh vật. Đầu hổ phù đang đội một đài sen, hai bên có hai con rồng nhỏ hướng vào. Hai bức cốn nách được trang trí đề tài tứ linh, phần trên là con rồng lớn ngoảnh mặt về phía hổ phù, rồng có đầu nổi cao, đao nhọn, đuôi xoắn. Thân rồng hình vảy cá ẩn khuất trong các cụm mây. Dưới đuôi rồng có một con long mã đang bay, phượng ngậm bông cúc, rùa trong ao sen. Các hoa văn này được thể hiện trong những ô nhỏ hình chữ nhật. Tuy có niên đại ra đời muộn song những mảng trang rí này rất sinh động và ưa nhìn.

Qua thời gian dài tồn tại, di tích đình Giàn vẫn bảo lưu được một bộ di vật đồ sộ về số lượng, phong phú về chủng loại và có giá trị văn hoá, lịch sử cao. Bộ sưu tập bao gồm: Một cửa võng chạm rồng mây, long mã trổ mặt trời, rùa đội hòm sách (thế kỷ XIX); Một đôi long đình, một hương án trang trí đề tài tứ linh (thế kỷ XIX); Hai ngựa gỗ, một chuông đồng (thế kỷ XIX); Ba choé sứ thanh, năm bát hương gốm (thế kỷ XVIII); Một bộ đòn kiệu (thế kỷ XVII-XVIII); Hai long ngai gỗ chạm rồng (thế kỷ XIX); Hai tượng phỗng gỗ (thế kỷ XIX); Di vật đá gồm sáu bia thời Hậu Lê, Nguyễn. Đặc biệt là 28 đạo sắc phong thần của ba triều đại phong kiến đã cho thấy vai trò to lớn của các thần hoàng làng đối với việc quản lý tư tưởng cộng đồng làng xã của nhà nước phong kiến. Thêm vào đó, sự biến đổi trong cách trang trí hoa văn trên sắc phong thần của từng thời đã là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu tiến trình phát triển nghệ thuật thuyền thống của dân tộc.

Với những giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử, đình Giàn đã được Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc, nghệ thuật tại Quyết định số 1539-QĐ ngày 27/12/1990./.

Đỗ Liễu