du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Làng hoa Tây Tựu
Publish date 25/06/2020 | 12:46  | View Count: 3711

Người Hà Nội, người dân của mảnh đất kinh kỳ từ bao đời nay luôn hướng về cái đẹp, luôn yêu cái đẹp. Hoa với người Hà Nội là niềm đam mê, là tình yêu và nhu cầu thiết yếu hàng ngày, vì thế từ xa xưa, Thăng Long đã có những làng hoa nổi tiếng.

Hà Nội ngày nay có hai vùng cung ứng hoa tươi nổi tiếng là Tây Tựu và Mê Linh. Làng hoa Tây Tựu trước đây thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm - là nguồn cung cấp hoa tươi chủ yếu cho nội thành Hà Nội từ nhiều năm nay.

Xưa kia, Tây Tựu có tên Nôm là Đăm, còn gọi là làng Tây Đàm, vì kiêng tên huý của vua Lê Thế Tông nên đổi là xã Tây Đăm, đến nhà vua Nguyễn vì kiêng quốc huý nên có tên Tây Tựu. Đây vốn là làng cổ, nổi tiếng với hội bơi chải độc đáo và vui nhất vùng, tổ chức vào tháng ba âm lịch hàng năm như ngạn ngữ xưa từng ca ngợi: "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy".

Làng hoa Tây Tựu nằm cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Tây, là nơi cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận. Nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ năm 1930, nhưng phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa. Nông dân ở Tây Tựu đã từng chuyên về nông nghiệp truyền thống nhưng thu nhập thấp. Vào những năm 1990, nông dân đã chuyển sang trồng thực vật hoa và gia vị. Những cây trồng này mang lại lợi nhuận tốt và mức sống trong thôn được cải thiện rõ rệt. Nhiều người dân Tây Tựu vẫn nhớ, những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho các loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê... Họ không ngờ hoa lại hợp đất đến thế. Thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại cây hoa màu, người dân Tây Tựu bảo nhau cùng chuyển đổi sang trồng hoa. Với lợi thế là xã ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp lớn, nghề trồng hoa ở đây đang phát triển rất mạnh. Nếu như trước đây huyện Từ Liêm được đánh giá là vùng hoa lớn nhất ngoại thành với diện tích 500 ha thì xã Tây Tựu chiếm tới 66% diện tích toàn huyện. Cứ thế, làng hoa ven đô hình thành rồi phát triển vững chắc như hôm nay.

Có lẽ bất kỳ ai khi đặt chân đến vùng đất hoa Tây Tựu đều cảm nhận được sự yên bình, nét chân chất của vùng quê ngoại thành với muôn màu khoe sắc của các loài hoa. Mặc dù không được ưu ái về thời tiết, nhưng hoa Tây Tựu vẫn thu hút bởi sự đa dạng về chủng loại. Tốc độ đô thị hóa nhanh, khiến các vùng hoa nổi tiếng như Xuân Đỉnh, Xuân La, Nhật Tân… bị mất dần. Riêng có làng hoa Tây Tựu vẫn ngày càng lớn mạnh nhờ lợi thế là địa bàn ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp còn lớn. Hoa Tây Tựu nở quanh năm, lại thêm đất đai rộng lớn nên có thể trồng nhiều loại hoa quý với số lượng lớn. Mặc dù làng Tây Tựu là một trong những ngôi làng cuối cùng chuyển đổi từ nghề trồng trọt truyền thống sang trồng hoa, đi theo những ngôi làng như Ngọc Hà và Quảng Bá, Tây Tựu đã trở nên nổi tiếng với nhiều loại hoa đẹp, không những cung cấp cho thị trường địa phương mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Để cung cấp hoa cho thị trường quanh năm, đòi hỏi người trồng hoa phải có sự kiên trì, khéo léo và điều vô cùng quan trọng là sự sáng tạo. Quy trình chăm sóc hoa có rất nhiều công đoạn như xới đất, gieo hạt, tỉa cây non để cấy cho tới việc tưới tắm, chăm bón và phun thuốc bảo vệ sâu rầy... Nghề trồng hoa cũng là nghề nông, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nào mưa thuận gió hòa, tiết trời ấm áp thì người trồng cũng nhàn hơn, còn ngược lại thời tiết khắc nghiệt thì tốn nhiều công sức trong việc chăm sóc. Nghề trồng hoa vốn đòi hỏi kỹ thuật, sự tỉ mỉ, kiên trì từ khâu chọn giống, ươm mầm, chăm sóc, bón tỉa tới thu hái. Khác với một số vùng, mỗi hộ có thể trồng nhiều loại khác nhau trong một diện tích đất; ở làng Đăm, các hộ có xu hướng chuyên canh, người chuyên về hồng, người chuyên về cúc, người lại chỉ ươm loa kèn hay hoa ly...

Cánh đồng hoa cúc của người dân Tây Tựu

Nếu như trước đây hoa chỉ trồng có hai vụ là Thu Đông và Đông Xuân thì hiện nay người dân Tây Tựu đã trồng hoa cả bốn mùa và có hoa bán quanh năm. Có được điều đó là nhờ vào sự quyết tâm vươn lên làm giàu bằng nghề trồng hoa của những người dân nơi đây. Công nghệ tiên tiến kịp thời được chuyển giao, kỹ thuật tiên tiến kịp thời được áp dụng và giống mới cho năng suất cao kịp thời được nhập về. 

Với người dân Tây Tựu, cây hoa không phải là vật vô tri vô giác mà giống như con người. Hoa gắn bó, gần gũi và là niềm vui của người dân nơi đây. Mỗi loại hoa lại là mỗi “tính cách” khác nhau. Hoa cúc ở Tây Tựu có khoảng 5 đến 7 loài, trồng tương đối nhàn bởi đây là loại cây trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt. Khi trồng loại hoa này, người trồng hoa chỉ cần làm luống và trồng hoa theo đường thẳng. Khi cây hoa lớn tầm 70 - 80 cm thì chăng lưới để thân không bị cong. Đặc biệt, khi cúc lên nụ thì phải tỉa lá và nụ nhánh để nụ “đội” lên.

Hoa Hồng của người dân Tây Tựu

Một loại hoa không kém phần đặc trưng của làng hoa Tây Tựu chính là hoa hồng. Theo những nhà vườn cho biết, hoa hồng cũng là loài hoa chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Khâu chuẩn bị và cải tạo đất cũng là phần rất quan trọng để các loại hoa có thể phát triển và đạt năng suất cao. Tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch, người nông dân có thể lựa chọn việc làm đất trước. Từng công đoạn làm đất như để ải, ngâm đất, tra phân, phủ ni lông bảo vệ đất khỏi sâu bọ đều phải đạt tiêu chuẩn, đất trồng hoa phải thật dẻo, có đầy đủ chất dinh dưỡng, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ của người nông dân thì chất lượng hoa khi thu hoạch mới thành công. Hoa hồng có đặc điểm là dễ bị nấm xâm hại, nên việc phun thuốc bảo vệ loại hoa này rất quan trọng. Muốn có được những bông hoa hồng nở đẹp vào đúng thời điểm, ngoài đáp ứng những đòi hỏi trên, người trồng hoa còn phải dùng giấy cuốn vào từng nụ hoa bắt đầu nở nhằm bảo vệ hoa trước thời tiết và sâu bệnh.

 

Kết quả hình ảnh cho LÀNG HOA TÂY TỰU
Cánh đồng Hoa Ly của người dân Tây Tựu

 

Với hoa ly, người dân ở đây ví trồng ly như là “canh bạc”, bởi nó mặc dù rất được ưa chuộng những năm gần đây, nhưng khi trồng lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hoa Ly các loại trồng ở Tây Tựu chất lượng ngày càng cao chẳng kém gì hoa trồng ở Đà Lạt, mặc dù đây là loài hoa chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết, vốn đầu tư cao vì củ hoa phải nhập khẩu từ Hà Lan, kỹ thuật trồng và chăm sóc phải tuân thủ theo công nghệ. Tuy nhiên với bản tính cần cù, không ngừng học hỏi và kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, người dân tại Tây Tựu đã mạnh dạn đầu tư xây nhà lạnh, làm giàn, nhà lưới che phủ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phun tưới để sản xuất đưa ra thị trường những bông hoa ly chất lượng và đa số hoa ly của Tây Tựu khi đến thời điểm thu hoạch đều được đặt hàng từ trước, số lượng cung luôn không đủ cầu.

Nắm bắt được thị hiếu của người chơi hoa, người dân làng hoa Tây Tựu với bản chất cần cù, sáng tạo đã không ngừng tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm trong việc ươm trồng và chăm sóc để đưa ra thị trường nhiều loài hoa đẹp. Cái giỏi của người Tây Tựu là có thể bắt hoa nở theo thời gian mong muốn, đồng thời lại giữ được sắc hoa luôn rạng rỡ. Vào thời điểm hoa nở rộ, cánh đồng hoa Tây Tựu nhìn xa như một bức tranh hòa trộn biết bao nhiêu gam màu rực rỡ. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau vẻ đẹp ấy là bao nhiêu công sức, bao công đoạn chăm sóc cầu kỳ, vất vả của người trồng hoa.

Bao năm tháng, người dân Tây Tựu đã luôn cần cù, chăm chỉ và kiên trì với nghề trồng hoa, tạo nên làng hoa Tây Tựu như ngày hôm nay. Hoa cũng giống con người, “nếu mình tâm huyết hoa sẽ không phụ mình”. Đó chính là phương châm chăm sóc hoa của những người trồng hoa nơi đây.

Để đảm bảo nghề trồng hoa phát triển bền vững, ngay từ năm 2010, xã Tây Tựu đã xây dựng nhiều giải pháp để bảo tồn làng hoa cũng như giải quyết việc làm cho nông dân khi không còn đất. Chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao. Phường Tây Tựu cũng vận động nhân dân chuyển một phần diện tích sang trồng các loại hoa chất lượng cao như hoa lan, ly, tuylip… để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Sau khi chuyển thành phường vào năm 2014, những hoạt động như thế này vẫn thường xuyên được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng vùng hoa Tây Tựu.

Bên cạnh những loài hoa truyền thống như hoa hồng, cúc, đồng tiền, nhiều giống mới cũng được trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao như hoa ly, hướng dương, hoa tulip, hoa đồng tiền, loa kèn… Nghề trồng hoa đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Chính nhờ cây hoa mà thu nhập của người dân ở đây được nâng cao rõ rệt. Vùng ngoại thành này đã có nhiều thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng đã ngày một nhiều lên, bắt nhịp với sự phát triển của Thủ đô.

Đâu chỉ làm bạn với những loài hoa sẵn có, người làng hoa còn mạnh dạn làm phong phú vườn nhà bằng cách nhập giống ngoại từ Bungari, Hà Lan…; đồng thời không ngừng nhân giống để tạo ra những loài hoa quý, hoa lạ.

Hiện nay, Tây Tựu đang trên đà cơ cấu kinh tế phát triển trồng hoa kết hợp với du lịch thương mại dịch vụ. Không chỉ cung cấp hoa cho khu vực Hà Nội, hoa Tây Tựu đã mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, phía Nam mà còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc.

Năm 2019, diện tích trồng hoa của Tây Tựu là 290,4 ha và khoảng 180 ha diện tích thuê ngoài tại các huyện lân cận như: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… Người dân Tây Tựu không ai phải phiêu bạt mọi nơi để kiếm việc làm, mà ngược lại, còn tạo không ít việc làm cho người lao động từ nơi khác đến. Mỗi năm, phường đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lượt lao động ở các tỉnh bạn. Tổng doanh thu sản xuất hoa Tây Tựu đạt 150 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân một lao động làm nghề đạt gần 8 triệu đồng/tháng. Đời sống người dân Tây Tựu được cải thiện đáng kể.

Người nông dân ở làng nghề Tây Tựu bây giờ cũng vẫn một nắng hai sương, cần mẫn cùng đất và cây như đời cha ông của họ đã từng gắn bó. Chỉ khác, bây giờ họ đã không có ngày nông nhàn thư thả, bởi quanh năm, đất trồng hoa vẫn luôn được phủ một màu xanh cây lá, thắm nụ đẹp hoa các loại. Đất quy hoạch cho trồng hoa ở Tây Tựu bây giờ đã không còn được nghỉ ngơi, phơi ải chờ mùa như trước đây để mỗi năm chỉ cho 2 vụ gieo trồng và thu hoạch. Người Tây Tựu hôm nay luôn mang trong mình niềm tự hào với nghề truyền thống của làng. Nghề trồng hoa đã biến những người nông dân “chân lấm tay bùn” thành những ông chủ lớn.

Lễ đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu” năm 2017

Với lịch sử gần 100 năm làm nghề, tháng 3/2017, làng hoa Tây Tựu đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Đây là sự ghi nhận và vinh danh đối với làng hoa; đồng thời khuyến khích và động viên nhân dân địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển nghề của làng. Việc công nhận làng hoa Tây Tựu thành làng nghề truyền thống cũng góp phần tuyên truyền, nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh làng nghề trồng hoa trong việc phát triển du lịch Tây Tựu nói riêng và của quận Bắc Từ Liêm nói chung. Tây Tựu là vùng đất của hoa, người dân Tây Tựu vẫn từng ngày sống và phát triển, bảo vệ lấy nghề. Khắc phục những khó khăn, con người nơi đây vẫn luôn tự hào với nét đẹp văn hóa của một làng nghề truyền thống có lịch sử gần 100 năm - làng nghề nuôi dưỡng những loài hoa./.

Phương Thảo