du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm
Publish date 29/05/2020 | 16:50  | View Count: 994

Di sản văn hoá là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới. Những di sản văn hóa còn là nguồn sử liệu trực tiếp cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về trang sử hào hùng của dân tộc và truyền thống đấu tranh cách mạng hùng tráng của những thế hệ cha ông đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong bối cảnh hiện nay, giữa mối quan hệ truyền thống và hiện đại thì các di sản văn hóa vật thể như: đình, chùa, miếu, phủ, văn chỉ, nhà thờ họ... hay các di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, phong tục tập quán... có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của con người. Bên cạnh đó, Di sản văn hóa cũng được coi là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch. Ở nhiều địa phương, việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của các di sản văn hóa đã góp phần đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.

Description: 1.1..jpg
Ảnh: Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm

Quận Bắc Từ Liêm là nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá của người Việt cổ, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Theo danh mục kiểm kê di tích được công bố tại Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND thành phố Hà Nội thì quận Bắc Từ Liêm có 135 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (gồm 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp Thành phố); 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 02 lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó là: Lễ hội Đình Chèm, phường Thụy Phương và Lễ hội Bơi Đăm, phường Tây Tựu. Quận có 26 di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh (trong đó có 18 di tích đã được UBND Thành phố công nhận gắn biển). Trên địa bàn Quận cũng có hàng ngàn di vật, cổ vật quý hiếm tại các di tích; Đáng chú ý, trong tháng 01 năm 2020 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Quả chuông Thời Ngô tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc.

Description: 1.2..jpg
Ảnh: Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm năm 2018

 

Quận Bắc Từ Liêm đang trong quá trình hội nhập và vươn tới sánh ngang với các trung tâm kinh tế - xã hội khác của Thành phố. Chính vì vậy, việc đi theo xu thế phát triển chung nhưng bền vững, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống trong lòng đô thị là việc làm vô cùng cần thiết. Quận có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó du lịch văn hóa tâm linh là một trong những mũi nhọn cần ưu tiên phát triển. Xác định được thế mạnh chiến lược về du lịch, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Chuyên đề số 05-CĐ/QU ngày 28/12/2016 về phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Điều này thể hiện tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa trong ngành kinh tế du lịch của quận Bắc Từ Liêm.

Những năm gần đây, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh của quận Bắc Từ Liêm đã và đang phát huy có hiệu quả. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích đã và đang thu hút sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chinh trị xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Cùng với đó, nhiều nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, tri thức dân gian đã được phục hồi và phát huy mạnh mẽ; Các lễ hội truyền thống được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm kinh doanh phát triển du lịch.

Description: 1.3..jpg
Ảnh: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Bơi Đăm truyền thống phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm

Nhìn vào kết quả trên chúng ta có thể thấy chính quyền và nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều hoạt động tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quận. Tuy nhiên, Bắc Từ Liêm là một quận mới được thành lập, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh với số lượng các di sản văn hóa đồ sộ nên công tác quản lý di sản văn hóa đã đặt ra cho ngành văn hóa không ít những khó khăn bất cập, đòi hỏi phải có định hướng lâu dài và kế hoạch rõ ràng để có cái nhìn tổng thể về di sản từ đó có những cơ chế, quyết sách phù hợp hơn.

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tác giả xin đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất: Tăng cường và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và phục vụ phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thứ hai: Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ Luật Di sản văn hóa, hiểu rõ hơn về ý nghĩa, giá trị các di sản văn hóa; Làm cho người dân thấy được mình vừa là người bảo vệ vừa là người được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị các di sản, từ đó có ý thức, trách nhiệm và những hành động thiết thực trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Thứ ba: Đề nghị Thành phố đồng ý chủ trương và bố trí kinh phí điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ  II tại các di tích có khoanh vùng bảo vệ vào các hộ dân đang sinh sống ăn ở lâu dài gây khó khăn, bức xúc trong nhân dân.

Thứ tư: Đẩy mạnh các hoạt động phát huy giá trị di tích như: kiểm kê, phiên âm dịch nghĩa, giám định cổ vật, tư liệu hóa các lễ hội truyền thống tiêu biểu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với tuyên truyền phát triển du lịch.

Thứ năm: Thành lập Ban quản lý di tích và quy chế hoạt động của Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, phường Thụy Phương. Tổ chức lập quy hoạch tổng thể tu bổ tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm (tại khu vực I và khu vực II) tạo điểm đến du lịch gắn với công tác phát triển du lịch vùng ven Sông Hồng của Thành phố Hà Nội.

Thứ sáu: Thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng xuống cấp tại các di tích trên địa bàn để có phương án đề xuất tu bổ tôn tạo chống xuống cấp kịp thời các di tích; Đồng thời hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy trình tu bổ tôn tạo theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần huy động nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tu bổ tôn tạo các di tích. Có hình thức khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.

Thứ bảy: Hiện nay, du lịch cộng đồng đang trở thành một xu hướng. Vì vậy, cần triển khai cho nhân dân những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng. Chính quyền, người dân và doanh nghiệp khai thác du lịch cần liên kết với các mạng lưới du lịch chung của Thành phố và Quận; Đồng thời liên kết với các công ty lữ hành du lịch để xây dựng các chương trình du lịch, tuyến du lịch cụ thể, phong phú đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn./.

Phòng Văn hóa và Thông tin