Bạn quan tâm nhất thông tin gì?
User Online: 82
Total visited: 8818313

xã hội xã hội

25/3- Ngày Công tác xã hội Việt Nam
Publish date 07/03/2017 | 00:00  | View Count: 480

Công tác xã hội (CTXH) là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, bất bình đẳng; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng, phồn vinh của xã hội.

Công tác xã hội (CTXH) là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, bất bình đẳng; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng, phồn vinh của xã hội. Tại Việt Nam, công tác xã hội có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững, đưa Việt Nam từ quốc gia đói nghèo vươn lên trở thành điểm sáng của thế giới về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội trong giai đoạn đổi mới đất nước hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước đã hình thành, phát triển được 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Số lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội tăng nhanh với 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề. Các tỉnh, thành phố đã hình thành mạng lưới 80 nghìn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội ở các hội, đoàn thể các cấp, góp phần trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, tìm việc làm để ổn định cuộc sống…

Ngày 15/9/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Trước đó, thời điểm kỷ niệm nghề Công tác xã hội vẫn được tổ chức là ngày 11/11 hàng năm.

Bên cạnh việc công nhận “Ngày công tác xã hội Việt Nam” là ngày 25/3 hàng năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề. “Ngày công tác xã hội Việt Nam” còn là sự kiện tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nghề công tác xã hội chỉ được biết đến trong 10 năm gần đây và ghi nhận sự vào cuộc của nhân viên công tác xã hội ở một số hoạt động như bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các thành viên trong gia đình giải quyết xung đột, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người già và người khuyết tật...

Về góc độ pháp lý, lĩnh vực công tác xã hội cần một khoảng thời gian để hoàn thiện những quy định về nhiệm vụ, vai trò của nhân viên khi tham gia các dịch vụ công tác xã hội. “Không ít ngành, cấp và người dân còn chưa hiểu nhiều về ngành công tác xã hội, nhiều người chưa “nhận dạng” được công việc của nhân viên công tác xã hội là gì, làm gì và ở đâu, sự khác biệt giữa nghề công tác xã hội với hoạt động từ thiện…”

Sự phát triển kinh tế làm xuất hiện khoảng cách giàu nghèo. Người nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu. Bên cạnh những vấn đề do di chứng chiến tranh, nhiều vấn đề phát sinh: Nghiện rượu, ma túy, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn... Đòi hỏi sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. 

 Trên thực tế, theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam có số người cần trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội lên tới 28% dân số, trong đó 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện… Những người này cần thiết có sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống chính sách chăm sóc xã hội của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, người dân chưa thấy hết được vai trò vị trí và tầm quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội có tính chất chuyên môn, chuyên sâu ở cộng đồng; dịch vụ chuyên sâu khác về công tác xã hội như tham vấn và hỗ trợ tâm lý, trị liệu tâm lý, quản lý ca, tái hoà nhập cộng đồng hầu hết vẫn chưa được thực hiện. Hơn nữa, đến thời điểm này, cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội, trong đó hơn 80% nhân lực chưa được đào tạo chuyên môn cũng là hạn chế lớn để phát huy hiệu quả của nghề CTXH.

Việc thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Quận đã chăm lo giải quyết tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao.

Để có được những kết quả trên phụ thuộc rất nhiều vào công tác xã hội và những người tham gia vào công tác này địa bàn Quận. Đó là mạng lưới cán bộ làm công tác LĐTB&XH, BVCSTE, y tế, giáo dục, cán bộ các hội, đoàn thể từ Quận đến cơ sở, màng lưới cán bộ, đội ngũ cộng tác viên tại các tổ dân phố, cụm dân cư,… họ đã và đang góp phần trợ giúp cho người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, phúc lợi xã hội, y tế, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 20.654 người cao tuổi, 2.406 người khuyết tật, 404 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 870 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 1,27%), 2.939 người thuộc diện bảo trợ xã hội,… do vậy rất cần sự tiếp tục chung tay, tích cực của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội trên địa bàn Quận.

 Thành công của công tác xã hội không phải chỉ cần có trình độ nghề nghiệp tốt mà quan trọng là phải có một tấm lòng. Điều này sẽ giúp xử lý các vấn đề một cách hiệu quả trên cơ sở luật pháp cho phép. Tất cả cộng đồng hãy giúp người nghèo, các đối tượng yếu thế, đặc biệt là con em họ được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của pháp luật để họ được học hành, được tham gia vào quá trình lao động, xây dựng gia đình, xã hội và phát triển đất nước. Thành công của công tác an sinh xã hội phụ thuộc rất lớn vào công tác xã hội và những người tham gia vào công tác này./.

Chu Thị Thu Hà