Văn bản chỉ đạo điều hành
- Thông báo
- Thông tin tuyên truyền
- Thông tin tuyển dụng
- Thống kê, báo cáo
- Hướng dẫn thực hiện pháp luật
- Dự thảo văn bản
- Công khai ngân sách
- Công khai theo quy định luật tiếp cận thông tin
- Giải quyết đơn thư
- Chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học
- Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Văn hóa - Thể thao
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Nhiều hoạt động văn hóa vật thể, phi vật thể, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và đương đại đều bị trì hoãn, hủy bỏ, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc thực nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương cũng cần có các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nhất là đối với những di tích có nhiều giá trị đặc biệt tiêu biểu trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 quận Bắc Từ Liêm đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch tại các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Quận cũng thành lập 02 Đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn năm 2021. Qua công tác kiểm tra thực tế tại các di tích cho thấy bên cạnh những chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh nói chung, hầu hết các địa phương đều đã thực hiện nghiêm túc các quy định, yêu cầu phòng, chống dịch với tinh thần đặt lợi ích và sự an toàn của cộng đồng lên trên hết. Nhiều di tích, lễ hội tổ chức những cách thức tuyên truyền sáng tạo, tác động sâu rộng và nâng cao nhận thức của nhân dân, du khách thập phương. Mỗi người dân đến với các di tích, lễ hội ngoài tâm thức thực hành các nghi lễ tâm linh, nhớ về nguồn cội còn luôn thường trực ý thức về phòng, chống dịch với những việc làm và hành vi cụ thể. Đến nay, 136/136 di tích trên địa bàn Quận đã thực hiện nghiêm việc đóng cửa và tạm dừng các hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Thành phố.

Bên cạnh việc đóng cửa và tạm dừng các hoạt động tại di tích để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, quận Bắc Từ Liêm cũng đã tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép; sự cố hỏa hoạn, ngập úng trong di tích... Ủy ban nhân dân Quận đã chỉ đạo các phòng ban chức năng thuộc quận, Ủy ban nhân dân các phường thường xuyên kiểm tra hiện trạng, mức độ xuống cấp các hạng mục di tích, các di vật, hiện vật, các đồ thờ tự bị xuống cấp; có phương án kịp thời chống đỡ, bảo đảm an toàn cho nhân dân và các di vật, hiện vật, đồ thờ tự tại di tích. Rà soát danh mục thống kê di vật, hiện vật và đồ thờ tự trong di tích theo hiện trạng quản lý để có biện pháp bảo quản phù hợp, đối với hạng mục bị xuống cấp nặng cần phải có phương án di dời đến khu vực đảm bảo an toàn. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân, các Ban quản lý di tích cơ sở thực hiện bao sái, bài trí hiện vật, đồ thờ trang trí trong di tích theo đúng sơ đồ đã lưu hồ sơ. Kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các Ban quản lý di tích cơ sở, người trông nom trụ trì di tích có phương án phân công bảo vệ và kiểm tra an ninh thường xuyên nhằm tránh mất cắp hiện vật; Sắp xếp, dọn dẹp và có phương án bảo vệ an toàn cho các hoạt động tín ngưỡng tại các công trường đang thực hiện tu bổ di tích.
Công tác phòng, chống cháy nổ tại di tích cũng được chỉ đạo tăng cường như: Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống điện, hương, nến, hệ thống phòng cháy, chữa cháy trong di tích; có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý di tích. Chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ, công cụ có khả năng gây cháy nổ; tránh sự cố xảy ra tại các di tích; hạn chế tối đa thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn nhằm ổn định tình hình liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng tại di tích.
Đối với công tác vệ sinh môi trường, phòng chống bão: Quận đã chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, tham mưu phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng...tỉa chặt cành lớn bị sâu, mọt của hệ thống cây lưu niên cao, lớn trong khuôn viên di tích có khả năng gẫy, đổ, gây sập vỡ mái, tường bao, các hạng mục kiến trúc tại di tích trong mùa mưa bão. Duy trì công tác vệ sinh thường xuyên, bố trí nơi thu gom và vận chuyển rác thải đúng nơi quy định. Thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực di tích, bảo đảm cảnh quan di tích xanh, sạch, đẹp. Có phương án gia cố, gia cường các hạng mục kiến trúc đã bị xuống cấp, xuống cấp nặng để phòng chống bão, lốc đảm bảo an toàn. Đối với những di tích thuộc địa bàn trũng thấp, ven sông (ngoài đê), cách xa khu dân cư, nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét: cần có phương án phòng chống sạt lở; di dời hiện vật, đồ thờ đến nơi khô ráo khi di tích bị ngập nước, tránh để nước xâm thực gây hủy hoại các hiện vật, đồ thờ của di tích. Có phương án chằng, chống những hạng mục kiến trúc có khả năng bị ngập nước để bảo đảm an toàn cho di tích.

Di sản văn hoá là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới. Những di sản văn hóa còn là nguồn sử liệu trực tiếp cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về trang sử hào hùng của dân tộc và truyền thống đấu tranh cách mạng hùng tráng của những thế hệ cha ông đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do vậy công tác bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng./.
Tuấn Minh