Tin nổi bật Tin nổi bật

ÁNH BÌNH MINH
Publish date 31/12/2024 | 08:48  | View Count: 66

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

 “Làm thế nào để học sinh có thể chủ động chia sẻ với mình các vấn đề xảy ra trong cuộc sống? Lẽ nào người thầy lại làm ngơ khi học sinh gặp khó khăn?”- Câu hỏi ấy khiến tôi cứ day dứt bao năm bởi lẽ đối với tôi bỏ quên học sinh có nghĩa là bỏ rơi các em - Không nhất định là không - Chỉ có thể tìm cách để trò thay đổi và thay đổi để hạnh phúc hơn!

Đó là tâm sự của cô giáo đã có mười bốn năm trong nghề, thời gian mười bốn năm chưa hẳn là dài nhưng cũng không ít đối với cuộc đời của một người thầy - Cô Bùi Thị Thúy Vân - giáo viên trường Trung học cơ sở Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Nhìn vóc dáng thật bé nhỏ của Vân, tôi thầm nghĩ “Thế này học trò bắt nạt thôi!”. Nhưng khi được nghe, được thông tin từ đồng nghiệp, từ phụ huynh, từ học sinh những câu chuyện về giáo dục học trò, dạy dỗ bọn trẻ của cô làm tôi lại thấy cần cẩn trọng, chớ vội nhìn bên ngoài để đánh giá một con người. Và chỉ khi tiếp xúc với cô mới cảm nhận được hết sự yêu nghề của một cô giáo trẻ, trẻ cả người và trẻ cả nghề (đó là so với tôi, công tác đã 33 năm), còn với cô mười bốn năm công tác là bấy nhiêu thế hệ học trò, có thể thấy cô thật “giàu có” khi “bỗng dưng” có một đàn con, tất cả học trò chúng đều coi cô là người mẹ thứ hai - Hạnh phúc của người Thầy đâu cần gì nhiều hơn vậy?

Học trò đến với cô thật tự nhiên, chúng coi cô như người chị, người bạn. Chẳng e dè, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ kể cả chuyện mới lớn. Vì sao ư? Thật đơn giản vì cô là nơi mà lũ học trò tin yêu, tin cậy và chúng sẽ chẳng ngại ngần khi tâm sự với người mà chúng hằng tin tưởng, chẳng may nghi ngờ cũng chẳng phải âu lo bất cứ điều gì.

Tình cờ gặp cô trong buổi báo cáo “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2019 và sau đó chúng tôi đã gần gũi hơn. Cô bắt đầu câu chuyện về “nghề đưa đò” mười bốn năm của mình bằng những mẩu chuyện, những kí ức:

“Đây là hai tấm bưu thiếp mà em nhận được từ học trò nhân dịp kỉ niệm 20 tháng 11 năm 2018 và trong ngày ra trường của học sinh lớp 9. Đó là của em Nhật Anh và Trung Nguyên. Thú thật, những lời tâm sự ấy đến bây giờ mỗi khi mở ra đọc lại, em thấy mắt mình lại cay cay - Giọng cô nghẹn ngào.

Hình 1. Lá thư của em Nguyễn Filip Nhật Anh và Trung Nguyên gửi cô Vân

Tôi tò mò:

- Nếu không bí mật, em kể cho chị nghe nhé!

- Vâng chuyện là….

Dường như cô xúc động mạnh nên tôi tỏ ý không muốn làm phiền cô “Cảm ơn em, lúc khác mình nói chuyện nhé!”

- Một chút thôi, qua rồi chị ạ - Cô trở lại bình tĩnh - Giọng cô trở nên say sưa: Em đã trăn trở rất nhiều vì thực tế hiện nay học sinh ở lứa tuổi cấp hai đang ở trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì nên các em muốn khẳng định cái tôi của bản thân, một số em sống khép mình, không muốn chia sẻ với mọi người xung quanh. Do vậy, giáo viên khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Thậm chí có em còn hay quậy phá, nghịch ngợm. Vì thế, nhiều thầy cô không tránh khỏi những lúc bế tắc, không muốn quan tâm đến những học sinh như vậy nữa. Em tự hỏi: Nếu mình là học sinh trong trường hợp ấy, không được cô giáo quan tâm chia sẻ, mình sẽ như thế nào? Nếu một ngày trong số học trò đó có em vì sự thờ ơ của người lớn, sự thờ ơ vô cảm của người Thầy mà hỏng cả tương lai phía trước và rất nhiều câu hỏi “nếu” cứ làm em day dứt không yên”. Từ đó, em nghĩ mình phải giúp học trò tiến bộ hơn bằng cách thay đổi thái độ khi lên lớp, thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học sinh, thay đổi thông qua các hoạt động. Nói thì dễ, nhưng làm không đơn giản chút nào. Em cũng như bao đồng nghiệp khác đã phải huy động những kiến thức kĩ năng được học trong trường Sư phạm, nhưng đôi khi lại bị vô hiệu hóa vì các phương pháp đó chủ yếu là lý thuyết chứ ít thực tế cũng bởi lẽ bây giờ học sinh không đơn thuần như xưa nữa.

Ánh mắt như biết nói, Vân sôi nổi:

- Dù cho có nhiều phương pháp tuy nhiên em vẫn chọn và thực sự tâm đắc với phương pháp “nêu gương” bởi nó mang lại những hiệu quả giáo dục rất tốt. Em hay kể các câu chuyện hạt giống tâm hồn, gương người thật, việc thật trong cuộc sống, kể các thần tượng của giới trẻ hiện nay như: ca sĩ Mĩ Tâm, Noo Phước Thịnh,…Em chỉ cho học sinh thấy, họ cũng đã cố gắng, lao động hết mình, vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những thành công như ngày hôm nay. Vậy các em cũng cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để đạt được ước mơ của mình”. Khi nắm bắt học trò thích gì, đáp ứng sở thích nho nhỏ ấy là ta thành công cũng không khó đâu ạ!.

Qua cách chia sẻ của cô Vân, tôi được biết Vân thường kể cho trò nghe những câu chuyện từ thời đi học của chính bản thân mình, những lỗi lầm mà mình từng mắc phải và cũng đưa ra được cách sửa lỗi để bản thân hoàn thiện hơn. Điều thú vị là Vân biết chọn thời điểm khi lớp có vấn đề như: chia bè phái, ý thức kỉ luật đi xuống, không ủng hộ lớp trưởng…Có thể, Vân nói ra hiện tượng ấy một cách trực tiếp rồi khéo léo kể câu chuyện và cách ứng xử của bản thân khi còn là học sinh để các em có sự đồng cảm với cô và nhận ra lỗi của mình, rồi sửa lỗi. Hoặc có thể kể chuyện tưởng chừng như vu vơ nhưng lại ngầm để giáo dục các em, để các em thấm dần và cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn.

          - Kỉ niệm nào của học sinh là không thể quên với em?.

Vân mỉm cười, nụ cười thật dễ mến:

- Em nhớ mãi Phan Trung Kiên - học sinh lớp em chủ nhiệm năm 2018. Kiên là một cậu bé lầm lì, ít nói, thường xuyên đi học muộn, không tập trung trong giờ học, có nhiều biểu hiện của trẻ tự kỉ, thậm chí có một thời gian dài em liên tục có hành động, suy nghĩ “không muốn sống” nữa. Giáo viên bộ môn thì phàn nàn, các bạn trong lớp thì xa lánh. Sự việc cứ tiếp diễn như vậy. Suốt thời gian đó em đau đáu nghĩ “Làm thế nào để giúp em hòa nhập được với các bạn?”.

- Kiên thế nào, em chịu “bó tay” không?- Tôi hồi hộp xen chút lo lắng.

- Thật ra cũng nản chị ạ, cũng định buông nhưng em cứ nghe như đâu đây tiếng tha thiết của người làm cha làm mẹ “mong cô có cách nào giúp con em” là em lại thấy mình phải có trách nhiệm, không được buông - Giọng Vân hơi trùng xuống

- Và rồi cũng có giải pháp hay?

- Cũng không có gì là đặc biệt, em chỉ nghĩ rất giản đơn “Kiên đang cần gì ở người lớn, ở cô giáo?”. À! đó là “tình yêu thương”. Vậy là em đã tìm được bí quyết “Sự yêu thương, chia sẻ, tin tưởng”. Gặp riêng Kiên, em tìm hiểu thêm về tâm tư nguyện vọng. Ôi vô tâm quá, đến khi đó em mới vỡ lẽ bởi hoàn cảnh của Kiên quá đặc biệt: mẹ Kiên rất nhiều tuổi mới sinh được cậu, rồi bác ấy vất vả làm lụng để nuôi con ăn học đến nỗi chẳng có thời gian để nghe con mình trò chuyện hàng ngày. Từ đó, Kiên trở nên lầm lì, sống khép mình, muốn vi phạm nội quy để được mẹ chú ý nhiều hơn. Em đã lắng nghe tất cả những điều Kiên nói, chia sẻ với cậu học trò như một người bạn về các vấn đề trong cuộc sống. Em hay kể về tuổi thơ thiếu thốn của mình và sự nỗ lực vươn lên bằng cách nào. Thỉnh thoảng em lại tặng cho Kiên một cuốn sách về các giá trị sống. Sau mỗi giờ học em nán lại ít thời gian để kèm Kiên học bài. Từ đó, Kiên hay chia sẻ với cô giáo hơn. Những bài làm văn của trò Kiên lắng đọng hơn, giàu cảm xúc hơn, khi giao tiếp với cô và các bạn em không nói cụt lủn, trống không, tính cách đã bớt phần nóng nảy và giờ đây Kiên đã là một học sinh khác vui tươi, cởi mở, không còn giận hờn vô cớ.

                   Hình 2.  Cô Vân hướng dẫn Kiên học bài cuối mỗi ngày

Hình 3. Cô Vân tặng Kiên quyển sách giá trị sống

Hình 4.Em Kiên vui chơi cùng các bạn

Tôi trở lại bên Vân và đùa:

- Nếu cho em chọn lại nghề, em có chọn nghề “đưa đò” nữa không?

- Có chứ ạ? - Vân tự tin - Niềm vui của em là được gặp học trò, được vui chơi với chúng, bởi lẽ không chỉ với riêng em mà giờ đây các học sinh của em, mỗi ngày đến trường đều cảm thấy vui và hạnh phúc, trò đã muốn mở lòng đón nhận niềm vui và có cơ hội chia sẻ với mọi người. Em thấy mỗi ngày em càng thay đổi, sự thay đổi của em giúp trò thay đổi và cả em cùng học sinh đều nhận ra điều giản dị “thay đổi để hạnh phúc hơn”. Những việc làm ấy tuy nhỏ bé nhưng quả thật em lại cảm thấy rất vui, vui bởi giữa em với học sinh trở nên gần gũi thân thiết, vui bởi những cô cậu học trò coi em như người bạn, người chị, người cô để sẵn sàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn và cả chuyện thầm kín của bản thân mình. Đúng như Can Jung đã từng nói:“Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”.

Hình 5. Cô Vân và học sinh lớp trong buổi Đại hội Chi đội

Hình 6. Cô Vân và học sinh lớp trong buổi Đại hội Chi đội

* Bí quyết thành công - sự yêu thương với trò

Dường như thấy tôi rất mong muốn được tìm hiểu thêm về cô giáo bé nhỏ, “át chủ bài” của trường nên Cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường, nơi cô Vân công tác chia sẻ (giọng tự hào nhưng pha chút buồn):

- Giữa học kì II năm 2018 có học sinh Nhật Minh học dở dang được nửa kì ở lớp bên thì Ban giám hiệu quyết định chuyển về lớp cô Vân. Nhật Minh là cậu bé ngoan nhưng hay suy nghĩ vẩn vơ, đợt nghỉ dịch do Covid -19, Nhật Minh cứ vô cớ khóc và hay nghĩ quẩn. Bố mẹ Nhật Minh cho hay “em Minh chỉ nghĩ đến cái chết, bố mẹ đã bắt gặp Minh chuẩn bị dùng dây để kết thúc cuộc đời, may mà phát hiện được”. Cả nhà lo lắng, bố mẹ và bà tâm sự, phân tích nhưng Minh không nghe. Khi mở tủ thấy có tấm bưu thiếp em hay nâng niu. Thì ra đó là bức thư của cô Vân gửi cho Minh. Bố mẹ Minh đã nhờ cô Vân tiếp tục viết thư gửi Minh với hy vọng con sẽ thay đổi. Nhận được đề nghị đó, Cô Vân đã tổ chức sinh hoạt lớp, tâm sự chia sẻ điều tốt đẹp, viết thư gửi cho Minh. Chẳng biết trong thư cô viết gì, chỉ biết sau đó Minh đã vui vẻ, hòa đồng, em đã cởi mở trong giao tiếp, đã chia sẻ với cô và bạn, không còn suy nghĩ vẩn vơ nữa. Nhìn thấy con mình thay đổi, bố mẹ của Minh rất vui, họ nói với em “gia đình không biết phải cảm ơn cô giáo như thế nào, con nhà chúng tôi may mắn được cô dạy dỗ”. Cô Vân thường đưa ra lời khuyên để giúp các em ngày càng tiến bộ hơn. Cô đã trò chuyện, chia sẻ và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm trong các giờ sinh hoạt lớp để giúp trò hòa đồng với các bạn trong lớp và sống tích cực hơn. Những việc làm của cô đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của phụ huynh và học sinh trong lớp.

Hình 7. Những tâm sự của học sinh “Điều em muốn nói”

Không giấu nổi sự hãnh diện về giáo viên của mình, cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hà cho biết thêm:

- Ở trường, cô Vân rất hay gần gũi học trò nhất là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô không chỉ dành thời gian quan tâm mà còn tặng sách, vở, dạy học miễn phí. Trong suốt thời gian công tác từ năm học 2010-2011 đến năm học 2019-2020, cô đã giúp đỡ rất nhiều học sinh trong học tập, cô dạy miễn phí môn Ngữ văn cho gần 200 học sinh, với khoảng 700 buổi số tiền lên đến trên 18.000.000 đồng. Phụ đạo miễn phí cho 32 học sinh yếu kém với khoảng 350 buổi số tiền trên 9.000.000 đồng. Trong 2 năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019, cô đỡ đầu em Phạm Quốc Khánh, đóng toàn bộ tiền học bổ trợ trong nhà trường cho em với số tiền 3.744.000 đồng. Đặc biệt năm học 2019-2020, cô Vân đã dạy ôn thi vào 10 miễn phí môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9A1 với 86 buổi (172 tiết), số tiền là 2.236.000 đồng. Đáp lại sự tận tình ấy là kết quả của trò, điểm thi của các em có gần 70% đạt điểm 8 trở lên. Thật kì diệu.

Năm học 2021-2022, nhà trường rất trăn trở “Học sinh khối 9 là năm cuối cấp, chất lượng đầu ra quyết định chính đến thương hiệu, uy tín của trường với bề dày thành tích” thế nhưng lớp 9A6, một lớp học tương đối “cá biệt” vì có một số học sinh vi phạm nội quy ở những năm học trước và chất lượng học tập của lớp luôn đứng tốp cuối của khối. Ban giám hiệu đã quyết định phân công cô Vân chủ nhiệm lớp này với hy vọng có điều kì diệu sẽ làm thay đổi.Trong lớp có không ít em hay nghịch ngợm, điển hình là trường hợp em Nguyễn Phương Ly, do bị bạn bè rủ rê nên em đã tham gia hút thuốc lá điện tử nhiều lần, lấy trộm tiền của bố mẹ để đi mua thuốc. Hàng ngày, em đến lớp trong tình trạng mệt mỏi, hay ngủ gật, không tập trung học, sức học ngày càng sa sút. Sau nhiều trăn trở, cô Vân đã tìm cách để thay đổi dần suy nghĩ của học trò, hướng các em đến các hoạt động tích cực. Cô đã trò chuyện với em Ly và các bạn trong lớp về các vấn đề trong cuộc sống cũng như sự thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, đồng thời cô hướng dẫn các em trong lớp tổ chức các giờ sinh hoạt lớp ý nghĩa như: “Bạn có biết về tác hại của thuốc lá điện tử?”, “Thần tượng”, “Bạn và tôi”, “Phương pháp học tập hiệu quả”… Sau một thời gian, lớp đã tiến bộ hơn rất nhiều, không còn học sinh vi phạm nội quy, chất lượng học tập của lớp đã có nhiều cải thiện. Đặc biệt, môn Ngữ văn của lớp do cô Vân giảng dạy luôn đứng tốp đầu của khối. Điều vui hơn cả là em Nguyễn Phương Ly đã bỏ thuốc lá điện tử, tích cực trong học tập. Cuối năm lớp 9 em đã thi đỗ vào trường công lập Trung học Phổ thông Xuân Đỉnh. Trong năm học, cô Vân cũng hỗ trợ tiền học cho các em có hoàn cảnh khó khăn: em Nguyễn Hương Ly lớp 9A6, em Trần Hữu Xuân, Trần Hữu Sang lớp 7A10, em Nguyễn Nhật Minh lớp 6A10 với tổng số tiền là 7.488.000 đồng. Cô tham gia dạy ôn thi vào 10 miễn phí môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9A6 với 52 buổi (104 tiết), số tiền 1.352.000 đồng. Cô Vân cũng tích cực tham gia các phòng trào ủng hộ tại trường và địa phương với số tiền 2.500.000đồng.

Giờ đây ở lớp cô chủ nhiệm hiếm gặp những em học sinh quậy phá, ít hơn những hiện tượng trêu chọc bạn hay những trò dại dột của tuổi học trò, không còn hiện tượng học sinh trốn tiết và lơ đãng trong giờ học. Những việc làm của cô Vân đã phần nào truyền được cảm hứng cho các giáo viên khác trong trường. Các đồng nghiệp của cô cũng đã có nhiều thay đổi với học sinh để các em luôn cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Một ngày đầu năm 2024, tôi được cô Nguyễn Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng của trường tâm tình:

- Lớp 6 là đối tượng các em thay đổi môi trường học tập, tâm lý cũng không tránh khỏi xáo trộn. Năm học 2022-2023, cô Vân nhận chủ nhiệm lớp 6A9. Trong lớp có em Nguyễn Khôi Nguyên có tiền sử động kinh, thường xuyên la hét, đánh các bạn trong lớp và có những lúc em có hành động không muốn sống nữa. EmNguyễn Minh Đức có biểu hiện của trẻ tăng động, nói tự do trong giờ, trêu chọc không cho các bạn học. Gia đình em Đức hoàn cảnh tương đối đặc biệt, bố mẹ ly hôn, em ở với mẹ, gia đình có 5 người con nên gần như mẹ em không có nhiều thời gian dành cho em. Đôi khi em có cảm giác mẹ “để mặc kệ” cho em tự lớn. Thiếu sự quan tâm của gia đình nên hai em càng có những hành vi không kiểm soát. Cô Vân đã nhiều lần trao đổi với phụ huynh của các em, nhờ “Ban tư vấn” của nhà trường hỗ trợ và cô cũng trao đổi thêm với học sinh trong lớp để gần gũi, giúp đỡ thêm. Lâu dần, Nguyên và Đức cũng làm quen được với nội quy trong lớp, bớt đánh bạn, bớt nói tự do trong giờ. Điều vui mừng nhất là cuối năm lớp 6, em Minh Đức từ một học sinh yếu, nghịch ngợm Đức đã đạt học lực khá. Cô còn hướng dẫn học sinh tiết kiệm điện bằng cách tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, tiết kiệm nước, tiết kiệm giấy; đặc biệt cô nhắc nhở các em phân loại giấy khi không sử dụng để tích cực tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ do Ban thiếu niên nhà trường phát động. Năm nào lớp cô cũng nộp gần 800kilogam giấy vụn, vượt chỉ tiêu của trường đề ra với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của các em để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

* * * * *

  * * *

Một ngày đầu năm 2024, tình cờ tôi nhận được chia sẻ qua điện thoại từ một phụ huynh của Trường Trung học cơ sở Xuân Đỉnh:

“Phải thật là có duyên con em mới được gặp và học lớp do cô Vân chủ nhiệm chị ạ. Khi con được xếp vào lớp cô, em đâu có biết cô Vân là cô giáo thế nào đâu? Bây giờ thì mới thấy thật là may mắn, thật hạnh phúc khi con được là học trò của cô Vân! Con trai em vốn khó khăn trong giao tiếp, trong học tập, nhất là từ tiểu học cháu đã rất chậm. Em không dám hy vọng ở con trai mình, chỉ cần cháu tiến bộ so với bản thân đã là tuyệt vời lắm lắm rồi. Nhưng từ lớp 5 chuyển lên lớp 6 con đã tiến bộ ngoài sự mong đợi của em. Nếu các bạn từ yếu lên trung bình, từ khá lên giỏi đã mừng vui, nhưng năm học này cháu nhà em tiến bộ vượt đến 3-4 bậc ấy. Từ một học sinh học yếu, khó khăn giao tiếp thế mà con đã vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi, giao tiếp thì đã tự tin, thay đổi nhiều không còn e dè, tự ti như trước là điều em vô cùng sung sướng và bất ngờ” - Đó là lời tâm sự từ chị Thân Thanh Hiếu - mẹ của Nguyễn Hiếu Nghĩa - học sinh lớp 7A9 Trường Trung học cơ sở Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm kể về cô giáo Bùi Thị Thúy Vân.

Tiếp lời chị Hiếu tôi hỏi:

- Thế việc dạy của cô với trò thì sao? Phương pháp của cô có điều gì khiến trò đạt kết quả tốt như thế?

- Rất dễ hiểu chị ạ, rất cuốn hút, cô dạy đâu hiểu đấy, con em có thể hiểu tất cả những gì cô truyền đạt. Có thể nói cô Vân đã “mê hoặc” cho học trò sự yêu thích việc học tập, truyền cảm hứng cho các em.

Chị Hiếu cho biết thêm:

- Không chỉ dạy hay mà cô còn tổ chức các hoạt động để các con có cơ hội trao đổi chia sẻ, qua đó cô giáo dục các trò rất hiệu quả. Không phải phụ huynh nào cũng có thể đồng tình, thấu hiểu chia sẻ hết với ý kiến của giáo viên. Thậm chí có những phụ huynh từ lớp Một đến lớp Năm em đã bắt gặp có thể đôi co với cô giáo về việc này việc kia nhưng với cô Vân thì không, tất cả phụ huynh trong lớp đều tâm phục, khẩu phục thật sự chị ạ.

- Em nói nhỏ với chị nhé - Chị Hiếu lại thì thầm - Ở tuổi học cấp hai, có một số bạn đã bắt đầu thay đổi tâm lý, nảy sinh tình cảm yêu đương tuổi mới lớn. Khi biết vậy, cô Vân đã giải quyết rất thấu đáo, em chẳng biết là cách nào nhưng tất cả rất êm xuôi, thật là tuyệt vời. Nếu đã tổ chức hoạt động cho trò, cô Vân luôn sát với học sinh đồng hành với các con từ đầu đến cuối. Có khi cô ở lại trường đến bảy tám giờ tối hoàn thành các việc và đợi khi học sinh về hết, không còn em nào ở trường, rồi mới yên tâm ra về.

- Vậy ở cô Vân có điều gì mà em thấy ấn tượng? Nếu để nói ngắn gọn trong ba từ về cô Vân em sẽ nói gì? - Tôi hỏi.

- Sự yêu thương, tâm huyết, tận tâm với nghề - Hiếu khẳng định - Mặc dù em cũng là giảng viên khoa tâm lý của một trường Đại học nhưng em thật sự bị thuyết phục với cách giải quyết, xử lý những mâu thuẫn, mọi việc ổn thỏa cho mọi mối quan hệ, nhất là với những va chạm, những bất hòa của học sinh - những cô bé, cậu bé ở cái tuổi ẩm ẩm ương ương trong lớp cô chủ nhiệm.

          Tạm biệt chị Hiếu, tôi liên hệ với em Minh Anh - học trò lớp 7A9 của trường. Sau lời giới thiệu của tôi, mục đích của cuộc trò chuyện, em Minh Anh rụt rè chia sẻ:

          - Cô Vân chủ nhiệm em, cô nhiệt tình chu đáo, bài nào chúng em không hiểu, cô đều giảng giải cặn kẽ ạ! Cô luôn tạo hứng thú cho chúng em qua các bài giảng bằng cách thay đổi phương pháp liên tục, tạo các trò chơi, hay kể những câu chuyện làm sinh động hấp dẫn thêm cho bài giảng của cô. Nghe cô giảng chúng em mới vỡ lẽ ra nhiều điều, kiến thức vô cùng mênh mông, rộng lớn vì thế ta cần phải tích luỹ hàng ngày thì mới có thể giỏi lên được.

          Thấy yên tâm khi trò chuyện với tôi nên em đã cởi mở hơn:

          - Ở lớp em có bạn Khôi Nguyên - bạn khá đặc biệt vì bạn bị động kinh, hay nghịch các đồ dùng của nhà trường, không tự kiểm soát được hành vi, hành động của mình. Cô Vân thường xuyên bên cạnh để giúp đỡ, cô trao đổi với bố mẹ bạn để bạn có thể chuyển đến một ngôi trường mới tốt hơn. Hay bạn Minh Đức là một bạn rất nghịch. Minh Đức hay ra khỏi chỗ, không kiểm soát hành động, cô Vân đã trao đổi với bố mẹ bạn, đã tâm sự với bạn Đức và bạn ấy đã thay đổi rõ rệt, tiến bộ rất nhiều, học đã khá hơn. Cô hay quan tâm tất cả các bạn trong lớp, bạn nào ốm hoặc có biểu hiện khác lạ là cô hỏi thăm luôn, cô gọi cho bố mẹ bạn và tìm cách an ủi động viên kịp thời. Mỗi lần sinh hoạt tập thể, cô luôn đồng hành và động viên chúng em, tạo cho chúng em động lực, sự hào hứng, những lần như thế chúng em càng thấy thêm gần gũi với cô và cô thực sự như người mẹ ấy.

          - Có bao giờ cô Vân nghỉ ốm khi được thông báo mà các em ồ lên “hoan hô” không? – Tôi hỏi – Một câu hỏi thật khó nói, khó chia sẻ.

          Minh Anh ngập ngừng:

          - Cũng có một vài bạn là theo thói quen cô ạ, nhưng cô Vân ít nghỉ lắm, kể cả ốm cô cũng cố gắng đến trường dạy chúng em. Những lúc giọng cô mệt vì khản cổ, cô vẫn đến để giao bài, chấm chữa và sửa bài cho chúng em.

          - Em mong muốn gì ở cô giáo mình?

          - Em mong cô luôn khỏe mạnh để có thể dạy chúng em đến hết lớp 9 ạ.

          Hạnh phúc nào bằng khi được học sinh, cha mẹ học sinh yêu thương tin tưởng như thế.          

* * * * *

   * * *

Những trăn trở với nghề, những thành công xứng đáng

Luôn trăn trở với nghề, luôn đặt cho mình câu hỏi “Làm thế nào để học sinh không chán, không buồn ngủ trong giờ học, làm thế nào để đem đến sự hứng thú trong từng bài giảng? Làm thế nào để trò tâm sự với cô?” và cô cho biết “Đó là phương pháp linh hoạt, hấp dẫn, mới mẻ, là sự tận tâm, chân thành, là không ngừng học”. Nghĩ là làm, cô đã tham gia dạy mẫu một số chuyên đề cấp trường để giáo viên trong tổ dự giờ, học hỏi phương pháp dạy học và phương pháp dạy ôn thi vào 10 môn Ngữ văn (Vốn dĩ, Ngữ văn không phải là một môn học dễ dàng nếu không muốn nói luôn là nỗi “sợ hãi”, ngại học của không ít học sinh, ngại dạy của một số thầy cô). Có kinh nghiệm, có năng khiếu lại ham học hỏi vì thế những lớp cô dạy đã đạt kết quả đầu ra top cao. Niềm vui lớn, thắng lợi lớn đến với cô và nhà trường: Năm học 2019-2020, lớp 9A1 cô dạy đứng top 2 của Quận với tổng điểm trung bình 7.97 điểm, nhiều năm liên tục lớp cô luôn đạt kết quả dẫn đầu toàn khối. Các chuyên đề cô thực hiện được Ban giám hiệu và đồng nghiệp đánh giá cao, có khả năng áp dụng vào thực tiễn dạy học để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Hình 8. Cô Vân dạy mẫu tiết chuyên đề Ngữ văn 6

Hình 9. Cô Vân và học trò say sưa với trải nghiệm

Với học trò cô là nhà giáo tận tâm, với giáo viên trong trường cô là đồng nghiệp tận tình, trách nhiệm. Không chỉ phấn đấu cho mình, không chỉ bản thân cô có phương pháp giúp học sinh tiến bộ mà cô muốn chia sẻ những gì mình biết, những gì đổi mới, tiên tiến,...Cô cho rằng điều đó sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều vì nếu đồng nghiệp càng giỏi, càng vững vàng, càng tâm huyết thì học sinh càng được hưởng lợi, càng may mắn hơn. Cô sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp trong chuyên môn, tư vấn nội dung mình hiểu sâu. Tích cực tham gia chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm với mục tiêu“để chất lượng dạy học của trường ngày càng phát triển, để các đồng nghiệp ngày càng tự tin”.Đặc biệt là các lần Quận tổ chức giải thưởng “Nhà giáo Bắc Từ Liêm tâm huyết, sáng tạo”, với sự trải nghiệm, sự nhiệt tình, cô Vân đã hướng dẫn cô Dương Thị Toan đạt giải Ba cấp Quận năm học 2021-2022, cô giáo Nguyễn Thị Hoa đạt giải Nhì năm học 2022-2023 cấp Quận,hỗ trợ cô giáo Vi Thị Ly thi giáo viên giỏi Thành phố môn Ngữ văn đạt giải Nhì năm học 2022-2023,…Ngoài ra cô tích cực tham gia công tác nhân đạo trong nhà trường và ở địa phương như: ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ đợt covid 19… với số tiền khoảng 3.200.000 đồng; tích cực giúp đỡ đồng nghiệp trong các đợt thi giáo viên giỏi hoặc khi ốm đau, gia đình có việc buồn, vui.

Không chỉ gương mẫu mọi mặt, bản thân cô tích cực tham gia các hoạt động của trường, của ngành. Cô còn hướng dẫn học sinh tiết kiệm điện bằng cách tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, tiết kiệm nước, tiết kiệm giấy... Vân luôn đặc biệt cô nhắc nhở các em phân loại giấy khi không sử dụng để tích cực tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ do Ban thiếu niên nhà trường phát động. Năm nào lớp cô cũng nộp gần 800 kilogam giấy vụn, vượt chỉ tiêu của trường đề ra với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của các em để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Không phải dễ dàng đạt được những thành tích nếu như không có sự miệt mài, kiên trì, ham học hỏi.Với gần hai mươi năm công tác, niềm vinh dự đã đến với cô: Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có thành tích xuất sắc trong Công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khen thưởng “Đạt giải Nhất thi giáo viên giỏi môn Ngữ văn cấp Thành phố”; Giấy khen của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội khen thưởng“Đạt giải Xuất sắc Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo cấp Thành phố lần thứ III”; Giấy khen “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà”, “Sáng kiến sáng tạo”, “Chiến sĩ thi đua”,“Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019-2020, 2020-2021”, Đạt danh hiệu “Người tốt - việc tốt” cấp Quận, cấp Thành phố,Giải Ba cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến “Người tốt - việc tốt” cấp Quận; Giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng bộ phường, có thành tích trong công tác ôn thi vào lớp 10 Trung học phổ thông môn Ngữ văn; Năm 2023,cô nhận Giấy khen của Ban chấp hành Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm về việc “Đã có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI”.Cô Liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Sáng kiến kinh nghiệm cấp Quận và Thành phố. Sự nỗ lực tâm huyết sáng tạo của cô đã được ghi nhận như một minh chứng khẳng định: Không ai khác, vinh dự này thật xứng đáng với cô.

 

Những thành công cô đã đạt được thật tự hào và rất xứng đáng với những việc cô đã làm nhưng Vân vẫn rất khiêm tốn “Thành tích ấy phần lớn là những cố gắng của học sinh và sự hỗ trợ của đồng nghiệp còn bản thân em cũng còn phải phấn đấu nhiều nhiều”. Dạy giỏi, chủ nhiệm hay, tổ chức hoạt động cừ, tâm lý số một - là những gì có ở cô giáo bé nhỏ Bùi Thị Thúy Vân.

      * * *

Với tôi, cô Vân đúng như Author Unknown đã nói: “Một người thầy thực sự đặc biệt thì rất hiểu biết và nhìn thấy tương lai trong đôi mắt của mọi học trò”.

Tôi rất tâm đắc với nhận định của Gôlôbôlin Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”. Có lẽ nào mỗi người thầy không vui khi thấy học trò lớn lên và trưởng thành, Việc làm của cô Vân và biết bao thầy cô khác đáng trân trọng, tự hào, như ánh bình minh ngời sáng. Trong muôn vàn bận rộn của ngày hôm nay nhưng tôi vẫn thấy cô Vân và nhiều thầy cô còn nặng lòng trăn trở với nghề “Gieo hạt cho đời”. Cảm ơn cô Vân, cảm ơn các thầy các cô đã đem đến cho học trò những thay đổi để chính “Cô thay đổi - Trò hạnh phúc”!

                                               

Nguyễn Thị Thanh Vi

(Chuyên viên Phòng GD&ĐT Bắc Từ Liêm)