thông tin tuyên truyền thông tin tuyên truyền

Ý nghĩa ngày Dân số thế giới (11/7)
Publish date 10/07/2020 | 11:36  | View Count: 1457

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Đứng trước sự gia tăng dân số quá nhanh, vấn đề dân số làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) với tầm nhìn chiến lược về dân số đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về dân số ở thủ đô Hà Lan vào tháng 11 năm 1989, tại diễn đàn Dân số thế giới này đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gašpar (công dân thứ 5 tỷ của Thế giới) là ngày 11/7 làm "Ngày Dân số thế giới" nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khoẻ… Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng trong hành vi dân số mà tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.

Cũng tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, Việt Nam đã tham gia ký kết Chương trình hành động ICPD nhằm nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển, kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng. Vấn đề này được nhấn mạnh bởi vì các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.

Thời gian qua, công tác dân số ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2019 là năm thứ 13 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tầm vóc, thể lực của người Việt được cải thiện; tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao… Dân số Việt Nam năm 2020 của cả nước ước tính 97,3 triệu người. Tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này vào năm 2019 ở mức sinh thay thế là 2,09 con. Năm 2019, tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng, số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm ngày càng tăng. Mặc dù đã đạt được mức giảm sinh, nhưng công tác dân số vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được quan tâm đặc biệt, đã có nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên… Ngoài ra, hàng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố đã phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình để tổ chức các buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng là phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên thanh niên,..; Phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên,…; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động để truyền thông chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ …

Ngày Dân số thế giới 11/7/2020 với chủ đề là “Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”. Chủ đề năm nay có ý nghĩa khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch, nhấn mạnh đến các cách thức để bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được, đảm bảo nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia và tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030.

        Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã đề ra chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cũng như xây dựng và ban hành các chính sách xã hội phù hợp với lực lượng lao động trong tình hình hiện nay; việc đề ra các giải pháp về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và từng bước nâng cao chất lượng dân số trước mắt và lâu dài. Trong những năm qua, số người trong độ tuổi lao động tăng rất nhanh. Quá trình dư lợi dân số sẽ là tiềm năng to lớn cho sự phát triển của Quận nếu lực lượng này được đào tạo và sử dụng hợp lý. Ngược lại, chính lực lượng này sẽ gây sức ép đến việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nếu không được đào tạo thích hợp và không đủ việc làm ổn định. Do giảm sinh nhanh và tuổi thọ tăng, dân số Bắc Từ Liêm bắt đầu chuyển sang quá trình già hóa (với tỷ lệ người già trên 10%). Điều đó làm tăng nhu cầu đảm bảo phúc lợi xã hội và các dịch vụ xã hội chăm sóc người già. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) của Quận: Giai đoạn năm 2016-2019 tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn từ năm 2016-2018 đang giữ ở mức ổn định giao động từ 113/100 đến 113.5/100 và có chiều hướng tăng .

       Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, quận Bắc Từ Liêm quyết tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kìm chế mức sinh, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần vào việc xây dựng và phát triển đi lên của Quận ngày càng bền vững./.

Diệu Linh