PHÁP LUẬT
(BTLP) Ngày 05/6/2020, UBND Quận đã tập huấn về công tác theo dõi thi hành pháp luật và hoạt động bồi thường nhà nước cho gần 200 cán bộ. Tham dự lớp tập huấn có đồng chí lãnh đạo và chuyên viên các phòng, ngành thuộc Quận; Chủ tịch UBND các phường và công chức chuyên môn phường.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Thị Việt Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Quận đề nghị các học viên tham gia lớp tập huấn tập trung nghiên cứu tài liệu, lắng nghe hướng dẫn của giảng viên; trao đổi những vướng mắc (nếu có) để việc thực hiện áp dụng Luật đạt hiệu quả.

Tại Hội nghị, các học viên đã được đồng chí Nguyễn Bích Thủy - Phó trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Sở Tư pháp Hà Nội đã phân tích và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh muốn Luật được thực thi đầy đủ, sâu sát vào cuộc sống thì đòi hỏi mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng như cá nhân mỗi cán bộ công chức phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để thực hiện được tốt về chuyên môn nghiệp vụ không để xảy ra sai sót, oan sai. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi để xảy ra oan sai cũng như về phương thức, hình thức, trình tự, thủ tục bồi thường nhanh gọn và kịp thời cho công dân để bù đắp những thiệt thòi cho công dân.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 gồm 9 chương, 78 điều, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Luật có rất nhiều điểm mới và tiến bộ, góp phần khắc phục những hạn chế, sai sót trong quá trình thi hành công vụ, đặc biệt trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án của cơ quan Nhà nước.
Một số điểm mới trong Luật như: đối tượng yêu cầu bồi thường (bao gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, tổ chức bị thiệt hại, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện đương nhiên; người được ủy quyền); Thời hiệu yêu cầu bồi thường cũng được nới rộng từ 2 lên 3 năm, trong đó quyền yêu cầu khôi phục danh dự thì không có thời hạn. Luật mới đã quy định rõ thời gian cụ thể xác minh, thụ lý hồ sơ từ 125 ngày trước đây xuống còn tối đa 71 ngày. Về thương lượng, Luật quy định thương lượng thành công sẽ trao quyết định ngay, nếu không thành cũng phải gửi biên bản thương lượng để người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa giải quyết. Đặc biệt, Luật 2017 quy định về tạm ứng bồi thường rất cụ thể. Đây là điểm tối ưu vì giải quyết nhanh cho người oan, sai, bởi người bị oan, sai đã chịu thiệt thòi rất nhiều.
Việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ khắc phục những oan sai bất cập cho các cá nhân, tổ chức, đồng thời bảo đảm cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 quy định về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo khuôn khổ pháp lý giúp xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Thông qua buổi tập huấn, các học viên đã được nâng cao kiến thức pháp luật về công tác theo dõi thi hành pháp luật và hoạt động bồi thường nhà nước. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới./.
Tin - ảnh: Trần Dưỡng - Trọng Toàn