ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chi bộ trường THPT Đoàn Thị Điểm học tập và làm theo Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn liền với thực hiện Di chúc của Người
Publish date 18/10/2019 | 17:57  | View Count: 687

Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người rất chú trọng đến đạo đức, đặc biệt là đạo đức cách mạng. Bác thường quan niệm: “ Có tài mà không có đức  là người vô dụng”, Bác nói như vậy để nhấn mạnh  tầm quan trọng của chữ Đức đối với sự nghiệp cách mạng. Bác cho rằng: đạo đức cách mạng là nguồn gốc, nền tảng của người cách mạng,như gốc của cây,ngọn nguồn của sông suối. Đạo đức cách mạng mà Bác đã dày công xây dựng bao gồm 4 phẩm chất cơ bản: Trung với nước hiếu với dân; tình yêu thương con người;cần,kiệm,liêm, chính,chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.

Trong những phẩm chất đạo đức cách mạng thì“Cần,kiệm,liêm, chính,chí công vô tư” là quan trọng và ý nghĩa nhất. Đây cũng là phẩm chất Bác hay đề cập đến nhất bởi các phẩm chất này gắn với hoạt động thực tiễn, nó được thể hiện bằng hành vi cụ thể  hàng ngày ở mỗi con người, là cái nhìn thấy được của đạo đức không thể che giấu, gắn liền giữa nói và làm,giữa suy nghĩ và hành động.Những phẩm chất cách mạng này được Bác giải thích rất ngắn gọn, dễ nhớ nhưng cũng rất sâu sắc.

Cần là cần cù siêng năng,là tự lực cánh sinh, là lao động có kế hoạch, có sáng tạo,có năng suất cao. Chữ “cần” không chỉ có nghĩa hạn hẹp như “Tay siêng làm thì hàm có nhai” mà còn có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải cần, cả nước đều phải cần bởi vì người siêng năng thì mau tiến bộ,cả nhà siêng năng chắc ấm no,cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh,cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu. Bác luôn lưu ý lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Bác nói nếu có một người,một ngành,một địa phương mà lười biếng thì khác nào toàn chuyến xe chạy mà có một bánh xe bật ra khỏi đường ray nó sẽ làm chậm trễ cả một chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng là người có tội với Tổ quốc, với đồng bào.

Bác nói về chữ kiệm: Kiệm là tiết kiệm thì giờ,tiền của của dân, của nước, của bản thân,tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái to không phô trương hình thức,không  xa xỉ hoang phí. Bác giải thích tiết kiệm không phải là bủn xỉn khi không đáng tiêu sài thì một hạt gạo,một đồng xu cũng không nên tiêu nhưng khi có việc cần làm có lợi cho dân cho nước thì dù hao bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng như thế mới là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn dại dột chứ không phải là kiệm. Tiết kiệm còn phải kiên quyết chống xa xỉ.

Cần và kiệm phải liên quan mật thiết với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm như gió vào nhà trống,như nước đổ vào cái thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được.

Bác nói về chữ liêm: Liêm là trong sạch là luôn luôn tôn trọng của công của dân không  tham tiền tài địa vị. Bác phân tích ngày xưa dưới chế độ phong kiến những người làm quan không đục khoét của dân thì được gọi là liêm. Chữ liêm đó chỉ có nghĩa hẹp,ngày nay nước ta là nước dân chủ cộng hòa chữ liêm đó phải có  nghĩa rộng hơn là mọi người phải liêm. Khổng Tử nói: “Người mà không liêm không bằng súc vật”.  Mạnh Tử lại nói:“Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”.Vì thế, Bác dạy chúng ta phải thực hiện tốt chữ liêm nhất là đối với cán bộ công sở. Bởi theo Bác, những người làm việc công sở đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ hoặc đục khoét của nhân dân đến khi lộ ra bị phạt thì mất hết cả danh giá mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, người làm việc ở công sở phải lấy chữ liêm làm đầu.

Chữ liêm và chữ kiệm phải đi đôi với nhau như chữ kiệm đi đôi với chữ cần.Có kiệm mới liêm được bởi xa xỉ ắt sinh tham lam không giữ được liêm. Bác căn dặn dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, đang xây dựng đời sống mới trong một nước Việt Nam mới không những chúng ta thực hiện cần, kiệm mà chúng ta còn phải thực hiện tốt chữ liêm. Bác khẳng định một dân tộc biết cầnkiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; là một dân tộc văn minh, tiến bộ.

Bác nói về chữ chính: Chính là không tà, là thẳng thắn chính trực đối với mình với người với việc. Bác nói: “Trên quả đất này có hàng muôn triệu người,song số người đó chia làm hai hạng,người thiện và người ác. Trong xã hội tuy có trăm công ngàn việc khác nhau, song các công việc đó chỉ chia làm hai thứ là việc chính và việc tà”. Làm việc chính là người thiện,làm việc tà là người ác. Bởi vậy, siêng năng,tần tiện,trong sạch là người thiện.Lười nhác,xa xỉ,tham lam là người ác.

Bác kết luận cần,kiệm,liêm là gốc rễ của chính như một cây cần có cành  lá hoa quả mới là một cây hoàn toàn. Con người có cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính thì mới hoàn chỉnh. Bác đã khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương không thành đất, thiếu một tính không thành người”.

Chữ chí công vô tư được Bác nói đến như sau: Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước,khi hưởng thụ thì mình nên đi sau phải biết lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ. Chí công vô tư là linh hồn của cần, kiệm, liêm, chính.Vìkhi cần, kiệm, liêm, chính tốt sẽ dẫn đến chí công vô tư. Chí công vô tư một lòng vì dân, vì nước nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Bởi thế, cho nên Bác yêu cầu mọi người dân Việt Nam đều phải thực hiện tốt các đức tính trên nhất là với cán bộ có chức quyền. Bác nói: “Trước hết là cán bộ cơ quan,đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét,có dịp ăn của đút,có dịp “dĩ công vi tư”.

Trong Di chúc, Người cũng đã từng căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đấy tớ thật trung thành của nhân dân”. Từ những căn cứ trên, có thể khẳng định phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có vai trò rất quan trọng. Đó là những phẩm chất để làm người, làm dân và làm lãnh đạo. Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên đang đứng trước rất nhiều thời cơ thuận lợi, song cũng có rất nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt là 4 nguy cơ: tụt hậu sâu về kinh tế; chệch hướng XHCN; tham ô tham nhũng; diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thì sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minhgắn liền với việc thực hiện Di chúc của Người lại trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết bởi đây là ánh sáng soi đường, là nhân tố quyết định thắng lợi của toàn bộ sự nghiệp đổi mới mà Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo.

Nhận thức được những điều trên, Chi bộ trường THPT Đoàn Thị Điểm luôn coi việc học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là hoạt động chính trị thường xuyên, liên tục. Ta go nhà văn hóa, nhà hiền triết của Ấn Độ đã khẳng định: “Giáo dục một người đàn ông được một công dân tốt. Giáo dục một người phụ nữ được một gia đình. Giáo dục một người thầy được cả thế hệ”. Thấm nhuần được vai trò và sứ mệnh của mình, cán bộ, đảng viên, giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm đã thực hiện đạo đức cách mạng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công như sau:

Đầu tiên, chi bộ phân tích, quán triệt về việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong trường tư thục được hiểu như sau: Cần không chỉ cần mẫn như con kiến tha mồi mà phải như con ong biết kiếm nhụy hoa mà còn biết làm ra mật ngọt nghĩa là biết lao động cần cù lại phải biết sáng tạo bởi lao động sáng tạo là chúng ta biết sắp xếp công việc một cách khoa học có sáng kiến kinh nghiệm, biết ứng dụng  khoa học kỹ thuật giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng các kĩ thuật dạy học hiện đại để đạt hiệu quả cao tiết kiệm được thì giờ của học sinh, giải phóng sức ì để các em có thể tự học, tự nghiên cứu mà không cần phải học thêm tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian.Như vậy, sáng tạo trong dạy học là các thầy cô giáo của chúng ta đã thực hiện được cả cần và kiệm. Liêm ở đây các thầy, cô phải trong sạch ngay trong lời ăn tiếng nói, trong suy nghĩ và hành động. Luôn tôn trọng ý kiến chính đáng của phụ huynh, của học sinh; tôn trọng sự khác biệt của các em học sinh đó mới là liêm của một nhà giáo. Liêm là không tìm những mánh khóe để câu kéo, ép học sinh đi học thêm. Chính là các thầy cô làm việc thiện, việc tốt, việc tử tế. Nhưng chính ở đây nghĩa là các đồng chí, các thầy cô cũng phải làm việc phải thẳng thắn, chính trực với mình, với người, với việc. Với mình phải trăn trở đặt câu hỏi xem mình đã thực sự cần chưa, kiệm chưa? Sau mỗi tiết dạy đã thấy hài lòng chưa, học sinh ngủ, học sinh không có hứng học có lỗi của mình ở trong đó không? Chính là dám đối diện với chính bản thân mình, đấu tranh với mình để vươn lên.Với học sinh mình đã đánh giá nhìn nhận đúng vấn đề chưa, phương pháp góp ý đã phù hợp chưa?Với việc mình đã hoàn thành chưa? Đã hết mình để trở thành tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo chưa?Trả lời những câu hỏi đó nghĩa là các thầy cô giáo là người chính trực. Chí công vô tư, các thầy cô phải lo trước học sinh (lo ăn, lo học, lo nghỉ, lo những cám dỗ cuộc đời…) Khi lo thì các thầy cô đã trang bị cho các em những kiến thức, kĩ năng gì để phòng vệ…? Chí công vô tư nghĩa là giáo viên còn luôn đối xử công bằng với tất cả các em học sinh, luôn vì sự tiến bộ của học sinh; luôn đặt lợi ích của học sinh, của cha mẹ học sinh và của nhà trường lên hàng đầu.

Thứ hai, nhà trường đã phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đến với mọi cán bộ giáo viên nhân viên. Việc phát động phong trào được thực hiện bài bản, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tổng kết và rút kinh nghiệm.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện, nhà trường rất chú trọng công tác nêu gương. Chính những tấm gương thực hiện tốt phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” luôn được đồng nghiệp yêu quý, phụ huynh tin tưởng và học sinh kính trọng. Tiêu biểu như thầy Đặng Quốc Thống, cô Vũ Thị Phương Anh, cô Vũ Anh Tú, thầy Đỗ Tất Tâm v.v…

Thứ tư, trong quá trình thực hiện phẩm chất đạo đức cách mạng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” còn chưa tạo sự sáng tạo, cần mẫn đối với học sinh.

Nguyễn Văn Huấn – Chi bộ trường THPT Đoàn Thị Điểm