Bắc Từ Liêm là một quận thuộc Thành phố Hà Nội, nằm dọc phía bờ nam của sông Hồng. Đông giáp quận Tây Hồ, Đông Nam giáp quận Cầu Giấy, Tây giáp huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Nam giáp quận Nam Từ Liêm, Bắc giáp sông Hồng.
 
 
Description: http://bactuliem.hanoi.gov.vn/images/image/DungNA/bandohanhchinh/bandobactuliem.jpg
 
Lịch sử hình thành:
 
          Quận được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, trên cơ sở tách 9 xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai, Phú Diễn, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; 9,30 ha diện tích tự nhiên và 596 nhân khẩu của xã Xuân Phương; 75,48 ha diện tích tự nhiên và 10.126 nhân khẩu của thị trấn Cầu Diễn Quận Bắc Từ Liêm có diện tích 4.335,34 ha (43,35 km²), dân số 320.414 người.
Các đơn vị hành chính:
          Quận Bắc Từ Liêm hiện có 13 phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đông Ngạc, Đức Thắng, Liên Mạc, Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, Tây Tựu, Thượng Cát, Thụy Phương, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo.
 
Địa lý:
 
          Diện tích: 43,35 km²; Dân số: 320.414 người; Mật độ: 7.381 người/km²
          Trụ sở QU-HDND-UBND Quận: Lô C, Khu liên cơ quan, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội;
          Điện thoại: 04.32242100; Email: vanthu_bactuliem@hanoi.gov.vn
 
Kinh tế-xã hội:
 
I. Phương hướng, mục tiêu tổng quát:
 
          Nghị quyết hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Quận, (Nhiệm kỳ 2010 – 2015) nêu rõ phương hướng, mục tiêu là: Xây dựng đảng bộ, các tổ chức Đảng thuộc đảng bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh thực hiện trật tự- văn minh đô thị, chỉnh trang và phát triển giao thông đô thị; phát triển kinh tế bền vững, cơ cấu hợp lý, văn hoá - xã hội tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; hướng tới xây dựng quận Bắc Từ Liêm trở thành Đô thị Sạch - Xanh - Hiện đại của Thủ đô Hà Nội.
          * Về thuận lợi: Tình hình chính trị - xã hội của đất nước và thủ đô luôn được giữ vững và ổn định; Quận Bắc Từ Liêm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sắc của Thành uỷ-HĐND-UBND Thành phố, sự giúp đỡ, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể của Thành phố; Quận Bắc Từ Liêm đã được quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu đã và đang được phê duyệt; Quận có sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng bộ và hệ thống chính trị từ Quận đến cơ sở; nhân dân trong Quận có sự đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đại bộ phận chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong Quận luôn nâng cao ý thức trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, thi đua phấn đấu để hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ chính trị của Quận.
          * Về khó khăn: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế còn gặp khó khăn, do suy thoái kinh tế chưa được phục hồi; tình hình nợ xấu của các ngân hàng cao, khả năng thanh khoản kém; thị trường bất động sản chưa được phục hồi. Khả năng thu ngân sách trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 1/4 so với tổng thu ngân sách huyện Từ Liêm trước đây. Quận vẫn là đơn vị hành chính có quy mô dân số lớn, tốc độ tăng cơ học và yêu cầu về đảm bảo an sinh xã hội cao; khối lượng công việc phải giải quyết thường xuyên của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ Quận tới cơ sở lớn; một số phát sinh trong thực hiện chính sách về đất đai có tính lịch sử từ nhiều năm trước phải giải quyết sẽ tiếp tục phát sinh; cơ sở vật chất hạ tầng khung (đặc biệt là giao thông) chưa phát triển; là địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
          Các yếu tố khách quan, chủ quan trên là thách thức không nhỏ tác động đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ.  
Do vậy, tư tưởng chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Quận được xác định là: Bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy – HĐND – UBND Thành phố, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Quận năm 2014.
 
II. Một số nhiệm vụ cơ bản:
 
1. Duy trì phát triển kinh tế nhanh và bền vững, triển khai thực hiện một số trọng tâm về phát triển kinh tế những năm tiếp theo.
          Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình 03 – CTr/TU ngày 9/9/2011 của Thành ủy Hà Nội về ‘‘Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững’’; thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế đô thị; thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tích cực xúc tiến, xã hội hoá đầu tư; hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Triển khai thực hiện quyết định số 6023/QĐ-UBND ngày 24/12/2012 của UBND thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015; kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 04/6/2013 về triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2020 và tầm nhìn 2050 của Thành phố.
          - Công nghiệp: Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích chuyển dịch sản xuất theo hướng phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ cao. Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có trên địa bàn. Thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án công nghệ cao sinh học. Quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện về môi trường sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, làng nghề, ngành nghề hiện có.
          - Thương mại, dịch vụ: Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, các loại hình sở hữu; tăng cường hướng dẫn nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh; đặc biệt là các loại hình dịch vụ chất lượng cao trong thương mại, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng...
          - Nông nghiệp: phát triển nông nghiệp sinh thái. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng vành đai xanh Thủ đô Hà Nội và dịch vụ du lịch xanh theo quy hoạch. Tiếp tục thực hiện các biện pháp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
          - Về phòng chống thảm họa thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn:  Thực hiện tốt công tác phòng chống thảm họa thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn từ tháng 4/2014; tiến hành xây dựng hệ thống thoát nước,cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi trên địa bàn nhằm hạn chế, phòng chống úng ngập sản xuất và dân cư trên địa bàn.
          - Củng cố và phát triển quan hệ sản xuất: Đảm bảo sự phát triển vững chắc của các ngành kinh tế và quan hệ sản xuất theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm tốt công tác quản lý thị trường; phòng, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại; quản lý chống đầu cơ, nâng giá và đảm bảo bình ổn thị trường. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; không để phát sinh dịch trên địa bàn Quận. Thực hiện có hiệu quả các chương trình bán hàng bình ổn giá và  cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 
Định kỳ 6 tháng một lần, lãnh đạo Quận tổ chức tiếp xúc với đại diện doanh nghiệp để nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
          - Về thực hiện dự toán ngân sách; huy động nguồn lực, đầu tư phát triển: Hoàn thành các chỉ tiêu, sắc thuế và thu ngân sách nhà nước do Thành phố giao năm 2014; tăng cường quản lý, chống thất thu thuế; hoàn thành dự án đấu giá quyền sử dụng đất, tích cực thực hiện các khoản thu khác.
Xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn lực, đảm bảo cho nhu cầu đầu tư phát triển trước mắt và lâu dài.
 
2. Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; thực hiện tốt công tác đảm bảo chính sách xã hội:
          Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình 04 - CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 – 2015.
          Chú trọng đảm bảo thực hiện tốt các chính sách xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách với người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tôn giáo, dân tộc. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý lao động đối với doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia giải quyết việc làm; chú trọng thực hiện hướng nghiệp dạy nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tệ nạn xã hội; đặc biệt là tệ nạn mại dâm, ma tuý.
 
3. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; tạo chuyển biến mạnh về quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, thực hiện tốt ‘‘năm trật tự văn minh đô thị’’, các dịch vụ đô thị và bảo vệ môi trường.
          Bám sát chương trình 06 – CTr/TU ngày 8/11/2011 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015”, chương trình 07 – CTr/TU ngày 18/10/2011 về “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 – 2015” của Thành ủy Hà Nội.
          Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo yêu cầu theo sự chỉ đạo của Thành phố, của Quận; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Trước mắt tập trung thực hiện các dự án: Đề pô xe điện, đường 32, các tuyến đường giao thông hạ tầng khung, đô thị Tây Hồ Tây, khu công nghệ cao sinh học, các tuyến đường và công trình công cộng ở các Phường, đấu giá quyền sử dụng đất ở Xuân Đỉnh.
          Tăng cường công tác quản lý nhà nước; xử lý 100% các hành vi vi phạm pháp luật mới phát sinh về quy hoạch đất đai, trật tự xây dựng, có kế hoạch xử lý vi phạm tồn tại của các năm trước...; tích cực thực hiện tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý chặt chẽ và giải quyết kịp thời các vướng mắc về bàn giao đất do điều chỉnh địa giới hành chính; rà soát và thu hồi đất công, đất “kẹt” bị lấn chiếm, sử dụng trái mục đích để đưa vào sử dụng việc công theo quy hoạch. 
          Tập trung thực hiện tốt “Năm trật tự văn minh đô thị”, xây dựng tiêu chí vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh, sắp xếp kinh doanh, đảm bảo văn minh đô thị theo hướng “sạch – gọn gàng – ngăn nắp” tiến hành xử lý nghiêm vi phạm về trật tự văn minh đô thị. Đảm bảo trật tự giao thông đô thị theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành uỷ-HĐND-UBND Thành phố.
          Rà soát và xây dựng kế hoạch phát triển giao thông theo quy hoạch, chỉnh trang những tuyến đường giao thông hiện có.
          Phát triển các dịch vụ đô thị (điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, dịch vụ đô thị khác); đảm bảo các yêu cầu thiết yếu của nhân dân về dịch vụ đô thị tạo cảnh quan các khu dân cư đảm bảo sạch - xanh- đẹp.
          Tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực tới các môi trường sống của nhân dân.
 
4. Tăng cường củng cố công tác quốc phòng- an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
          Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự kỷ cương, an toàn xã hội; quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu; xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Tăng cường nắm bắt tình hình, đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động của các thế lực thù địch.               Thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi cố tình không chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước; các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân. Tích cức thực hiện phòng chống tệ nạn xã hội; trật tự an toàn giao thông. Đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.
 
5. Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ:
          - Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chương trình 01 – CTr/TU ngày 18/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011  2015”
          - Lãnh đạo xây dựng chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp:
          - Nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể.
 
Các danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng:
 
          Quận Bắc Từ Liêm có 133 di tích. Trong đó có 58 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, 27 di tích cách mạng kháng chiến, 11 di tích được gắn biển. Trong đó có những di tích nổi tiếng như: Đình Chèm, Đông Ngạc, Thượng Cát, Chùa Kỳ Vũ, Miễu Đồng Cổ, Đình Đăm Tây Tựu. Di tích cách mạng kháng chiến pháo đài Xuân Tảo, trận địa tên lửa Chèm, Di tích lưu niệm Hồ Chí Minh Kiều Mai, Công trình thủy lợi Chèm; Làng hoa Tây Tựu, làng khoa bảng Đông Ngạc…
          Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có công viên Hòa Bình là công viên lớn được xem là một trong những biểu tượng của Thủ đô, tọa lạc trên diện tích 20 ha, tại phường Xuân Đỉnh. Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô Hà Nội vinh dự được UNESCO – Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc trao tặng danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình”. Để tạo dựng một biểu tượng của Thủ đô, Thành phố đã quyết định xây dựng công viên mang tên Hòa Bình. Công viên này sẽ được cải tạo theo hướng hiện đại và đa dạng các hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho dân cư trên địa bàn quận và thu hút khách du lịch ở các nơi khác.