du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Bơi Đăm truyền thống, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm
Publish date 02/06/2020 | 17:18  | View Count: 1787

Tây Tựu là vùng đất cổ có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời gắn với tục thờ thần Bạch Hạc Tam giang - Một danh tướng nằm trong hệ thống nhân vật thần thoại từ buổi các vua Hùng dựng nước. Trong suốt tiến trình lịch sử, mảnh đất Tây Tựu đã sinh ra biết bao nhân tài văn võ không chỉ làm rạng danh quê hương bản quán mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc. Dấu ấn văn hoá ấy còn đọng lại trong các di tích lịch sử của địa phương đó là những ngôi đình, toà miếu, ngôi chùa, nhà thờ họ… và đặc biệt là được kết tinh trong các lễ hội truyền thống từ bao đời nay, nét tiêu biểu, độc đáo đó phải kể đến truyền thống bơi Đăm mà hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe nhắc đến không chỉ một lần:

Làng Đăm có hội bơi thuyền

Có lò đánh vật, có miền trồng hoa

            Hay câu ca: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”

Đó là những câu ca không chỉ in sâu vào tiềm thức đối với mỗi người dân Tây Tựu mà du khách gần xa ai cũng biết đến.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\4d91e2dea861523f0b70.jpg
Hình ảnh đình Đăm, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm

 

Ông cha ta đã dạy:

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

 Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có được cuộc sống ấm no hạnh phúc và thanh bình như ngày nay. Thành quả đó được đánh đổi bằng biết bao sự hy sinh xương máu của cha ông ta từ thuở sơ khai đi mở đất đến những tháng ngày gian khổ can trường chống giặc ngoại xâm. Là người dân Việt Nam, mang trong mình dòng máu lạc hồng, mỗi chúng ta đều phải ghi nhớ công ơn của cha ông ta, sự hy sinh quên mình của các vị anh hùng dân tộc, những con người đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh và giải phóng quê hương đất nước.

Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang là một trong những nhân vật huyền thoại được thờ làm thành hoàng ở nhiều làng quê Việt Nam. Lai lịch và công tích của thần đã được sử sách xưa và nay ghi chép khá nhiều. Tướng Đào Trường (tức Bạch Hạc Tam Giang) là một vị tướng giỏi của Hùng Duệ Vương đã có công 2 lần đánh thắng giặc phương Bắc sang xâm lược. Khi giặc đem quân xâm lược nước Văn Lang, ông tâu vua “nên đón đường thủy mà đánh”, nhờ đó mà hai lần giặc đều bị đánh bại. Sau khi ông mất, tất cả những nơi thờ ông đều có tục bơi chải. Để tôn vinh hình tượng thiêng liêng và tỏ lòng tri ân công đức với vị tướng lĩnh anh hùng - Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang, lễ hội Bơi Đăm được nhân dân địa phương tổ chức với quy mô 5 năm một lần.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\d7617a6330dcca8293cd.jpg
Hình ảnh Miếu Tây Đam, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm

 

Hàng năm, cứ mỗi độ tháng ba về, người dân Tây Tựu lại náo nức chuẩn bị cho ngày lễ hội. Hội bơi Đăm diễn ra từ mùng 9-11/3 Âm lịch hàng năm, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu. Lễ hội diễn ra trong thời điểm nông nhàn nên trước nay hội bơi Đăm vẫn rất đông du khách, nhiều nghi lễ tín ngưỡng, lắm trò chơi dân gian, nhưng sôi động và đáng chú ý nhất vẫn là bơi Đăm (đua thuyền) diễn ra trong hai ngày 10 và 11/3 (Âm lịch).

Hội bơi Đăm diễn ra tại nhánh của sông Nhuệ hay còn gọi là khúc sông Thủy Giang (Sông Pheo) dài gần 1km, rộng chừng trăm mét. Theo các cụ cao niên trong làng lễ hội có 6 thuyền tham gia, được đánh số chia đều cho 3 thôn. Thuyền thôn Thượng gắn đầu Hạc, đánh số 1 và 4; thuyền thôn Trung gắn đầu Rồng đánh số 2 và 5; thuyền thôn Hạ đầu Ly đánh số 3 và số 6. Ngoài ra còn có thêm một thuyền thứ 7 gọi là thuyền Quan làm nhiệm vụ giám sát cuộc đua. Thuyền giải Nhất vinh dự được chở ngai Thánh từ Thủy tọa về miếu Thượng. Đến với Hội bơi Đăm, du khách còn hiểu thêm về truyền thuyết dân gian gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, về một hội bơi chải mang tinh thần thượng võ, quyết liệt như một buổi luyện quân với những kỹ năng điêu luyện như cách búng thuyền, dóc thuyền, lạng thuyền, vuốt góc…

Hình ảnh đua thuyền tại lễ hội Bơi Đăm, phường Tây Tựu

Các cụ cao niên trong làng kể lại thì hội làng Đăm có từ những năm 60 sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại. Thời đó nơi đây là một vùng hoạt động quan trọng của nghĩa quân Hai Bà Trưng, được Thánh Bạch Hạc Tam Giang hiển linh phù trợ. Trước đây, năm nào được mùa thì dân làng tổ chức lễ hội lớn và kéo dài trong suốt 5 ngày. Theo các cụ cao tuổi cho biết, hội được tổ chức lần cuối vào năm 1940. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến năm 1994 làng không tổ chức hội nhưng có 4 lần khôi phục hội bơi: Lần đầu tiên vào năm 1955 là khi mừng kháng chiến chống Pháp thắng lợi và nhằm khuấy động phong trào xây dựng đời sống mới, chế độ mới; Lần thứ 2 là vào năm 1957; Lần thứ 3 vào năm 1973 là khi đón quốc trưởng Campuchia sang thăm nước ta; Lần thứ 4 bơi tại hồ Hoàn Kiếm là năm 1974 nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng thủ đô. Đến năm 1994, theo xu thế phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống của cả xã hội thì hội được khôi phục lại và tổ chức lại một cách công phu và trang trọng. Vào những năm hội chính, dân làng tổ chức rước kiệu, bơi thuyền, đấu vật, đánh cờ người, thả chim bồ câu…Vào những năm hội lệ chỉ tiến hành tế lễ ở đình, miếu và tổ chức một số trò chơi dân gian như: đập niêu đất, bịt mắt bắt dê, đấu vật, đánh cờ người và các hoạt động văn hóa - thể thao quần chúng của nhân dân 3 miền.

Description: C:\Users\Khanh\Desktop\9c76dae890576a093346.jpg
Hình ảnh trò diễn múa lân tại lễ hội Bơi Đăm, phường Tây Tựu

 

Chúng ta đều biết, Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hoá, là sản phẩm tinh thần của nhân dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về văn hoá đặc thù của mỗi vùng miền, mỗi địa phương được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ. Lễ hội Bơi Đăm là sự tái hiện không gian văn hoá, chiến thuật luyện tập và tiến công bằng thuỷ quân của tướng Đào Trường thời Hùng Duệ Vương. Lễ hội Bơi Đăm còn là hình thức sinh hoạt văn hóa thể thao tiêu biểu nhằm khơi dậy truyền thống đoàn kết cộng đồng, giáo dục thể chất, rèn luyện ý thức tập thể và tinh thần thượng võ cổ truyền. Đây cũng là dịp để những người con của quê hương nhớ về nguồn cội, du khách xa gần đến với Bắc Từ Liêm góp phần quảng bá phát triển du lịch trên địa bàn Quận.

Hình ảnh nhân dân và du khách thập phương vui mừng cổ vũ cho các đội đua thuyền tại lễ hội Bơi Đăm

Qua các nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn tại lễ hội Bơi Đăm chúng ta có thể đưa ra nhận định về một số giá trị tiêu biểu về di sản văn hóa phi vật thể như:

Giá trị lịch sử:

Hội làng Đăm là một lễ hội rất cổ, được dân làng bảo vệ và duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.Việc tổ chức lễ hội chính là một hình thức truyền lại cho các thế hệ mai sau về những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha ta đã để lại một cách tự nhiên, sinh động mà thấm thía, khắc sâu vào tâm trí. Các nghi thức tế lễ trong ngày hội hướng mọi người về thế giới tâm linh, tưởng nhớ các vị thần có công trong việc phù giúp dân tạo lập cuộc sống mới, xây dựng bảo vệ xóm làng kể từ những ngày đầu gây dựng. Các hoạt động làm lễ dâng hương trong ngày hội của dân làng cũng như du khách thập phương là một trong những hình thức tưởng niệm vị Thần thành hoàng, cũng như các vị thần bảo trợ cho xóm làng. Nghi lễ bơi chải rộn ràng bởi tiếng chiêng trống, tưng bừng náo nhiệt bởi tiếng reo hò cổ động của người xem. Bơi chải như đưa bước chân người dự hội trở về với quá khứ, nhắc mọi người luôn nhớ về vị Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang, người đã có công phò vua giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại cho người dân cuộc sống hòa bình, ấm êm.

Vì thế, hội làng Đăm với các tập tục, nghi lễ có giá trị vô cùng sâu sắc, vừa ôn lại truyền thống, vừa giáo dục thế hệ sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta.

Giá trị khoa học:

Hội làng Đăm và thi đua thuyền là một trò diễn nghi lễ. Trò diễn này chỉ được thực hiện trong ngày hội với những nghi thức bắt buộc đối với người tham gia thực hành trò diễn cũng như công cụ và không gian thực hiện trò diễn đó. Ngoài kỹ năng và cách thức thực hành, điều quan trọng nhất chính là yếu tố cộng đồng, tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên dành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.

Giá trị văn hóa:

Tính cộng đồng thể hiện trong niềm tin khi thực hành các nghi thức là giá trị văn hóa đầu tiên. Ý nghĩa của trò diễn mang tính tâm linh, nó thể hiện thông qua mong muốn của cộng đồng là đội nào thắng sẽ mang lại điều may mắn cho làng xóm, tức là thông điệp của họ đã đến với đức Thánh và đức Thánh đã nhận được và ban cho họ những điều tốt lành. Niềm tin này chính là giá trị phi vật thể của nghi lễ. Niềm tin không thể thiếu ấy thỏa mãn một nhu cầu tâm lý, mang lại niềm vui, không khí phấn khởi, và một sức sống mới cho cộng đồng, để họ yên tâm lao động cho cả một năm. Điều đó cũng giải thích tại sao trò diễn ấy cứ phải thực hiện trong dịp đầu xuân, đầu của một năm mới, bắt đầu của một chu kỳ tăng gia sản xuất.

Giá trị văn hóa thứ hai được thể hiện qua những chuẩn mực xã hội. Đó là: những quy ước, quan niệm, điều kiện tham gia thực hành các nghi thức được cộng đồng quy định và duy trì từ đời này sang đời khác.

Giá trị văn hóa còn thể hiện ở sự thích ứng của con người trong mọi hoàn cảnh: dù ở đâu, dù thế nào thì cũng vẫn được duy trì thực hành: ở đình, ở miếu, trên không gian sông nước… Vấn đề là ở chỗ diễn trình cũng như giá trị của trò diễn không thay đổi.

Trong không gian chung của làng quê thanh bình, hội là dịp để dân làng nghỉ ngơi, thư giãn sau những tháng ngày lao động vất vả. Dân làng tập hợp nhau lại để vui chơi, đua thuyền, sống hết mình cho những phút giây vừa thiêng liêng, vừa sôi nổi của ngày hội. Đó là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được ở nông thôn, của những người nông dân ở làm Đăm. Truyền thống làng, truyền thống nghề chính là niềm tự hào về quê hương của người dân làng Đăm.

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 30/01/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận lễ hội Bơi Đăm truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước đối với lễ hội Bơi Đăm truyền thống và cũng là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung, phường Tây Tựu nói riêng. Từ dấu mốc quan trọng này, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong Quận càng thể hiện quyết tâm bằng các hành động cụ thể, thiết thực, tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là giá trị phi vật thể của lễ hội Bơi Đăm để xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

                                                          Phùng Toản