du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Hai ngôi đền Tam giáo trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm
Publish date 17/08/2022 | 17:00  | View Count: 1830

Ở nước ta, từ lâu đời ba tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo) đã phát triển, hòa hợp và cùng song song tồn tại hàng nghìn năm nhưng hiếm có nơi nào cùng thờ các vị thánh của cả ba tôn giáo. Cho đến thời nay, vẫn tồn tại hai ngôi đền thuộc loại hiếm thấy còn thờ cả ba tôn giáo (Nho, Lão, Phật) đó là đền Thượng Cát và đền Đông Ba, thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm.

Đền Thượng Cát

Đền Thượng Cát có tên chính là Châu Đài (Thiên Đài ở đất quân thần Châu),  là di tích tôn giáo tín ngưỡng thờ tam giáo đồng nguyên: Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Ngoài ra đền còn thờ các vị phúc thần có công dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc như: Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các vị thiên thần như: Thánh mẫu Liễu Hạnh, mẫu Âu Cơ và các Thánh Mẫu…

Nghi môn, đền Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm

Quy mô kiến trúc của ngôi đền gồm: Nghi môn, nhà tả vu - hữu vu, đền chính (điện thờ) kết cấu kiểu chữ “Đinh”.

Ngôi đền được tọa lạc trên một không gian thoáng đãng theo kiến trúc tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, nhà xây trên nền cao xung quanh bó vỉa gạch kiểu tam cấp. Cửa kiểu vòm cuốn, có 4 bộ vì kèo làm kiểu “thượng chồng rường - hạ kẻ, cột trốn”, các vì kèo đặt thẳng lên tường bổ trụ, mái phân “Thượng tam - hạ tam”. Tòa Trung tế được xây kế tiếp nhà tiền tế. Một nếp nhà 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đốc mái đắp hình rồng miệng ngậm bờ nóc, phần tay ngai đắp nổi hình rồng lá ở tư thế chạy xuống. Bốn vì kèo gian giữa làm kiểu “thượng chồng rường - hạ kẻ bẩy hiên” mái phân “thượng tứ - hạ tam”. Trang trí trên kiến trúc tập trung vào các cốn mê với đề tài “trúc lão hóa rồng”, “mai lão hóa rồng”, trên các đầu bẩy, con rường, trụ đấu chạm nổi hình hoa lá.. Hậu cung được nối liền với tòa Trung tế chạy dọc phía sau, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Bốn vì kèo đỡ mái làm kiểu “Thượng chồng rường - hạ kẻ” nền nhà lát gạch chỉ. Trang trí trên kiến trúc đơn giản “bào trơn kẻ soi”.

Tòa Tiền tế, đền Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm

Việc bài trí tượng thờ tại ngôi Đền được tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy tắc của tam giáo. Ngoài ra đền Thượng Cát còn lưu giữ được hệ thống di vật nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại như: đồ gỗ, đồ đồng, đồ đá, đồ sứ... Tiêu biểu là 47 pho tượng tròn được phủ sơn thếp lộng lẫy, một quả chuông đồng đề 4 chữ hán trong lá đề "Thượng Cát từ chung" nghĩa "Chuông đền Thượng Cát" niên hiệu Thành Thái 3 (năm 1819).

Với những giá trị tiêu biểu, đền Thượng Cát đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 9083/QĐ-UBND ngày 31/12/2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đền Đông Ba

Đền Đông Ba (hay còn gọi là đền Tam giáo), thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Ngôi đền được toạ lạc trên một khu đất cao phía bờ nam sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội gần 20 km về phía Tây Bắc.

Đền thờ ba vị Thành hoàng là các võ tướng dưới thời Hai Bà Trưng: Quách Lãng và nhị vị công chúa Đinh Bạch Lương, Đinh Tĩnh Lương. Cùng với việc thờ các vị thần, thánh bảo hộ cho cuộc sống của dân làng thì theo bản hương ước, sớ văn, bản khắc và tên tự của đền cho thấy đền thờ Tam Thánh, phản ánh quan niệm; “Tam giáo đồng nguyên” nhất thể (đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão).

Nghi môn đền Đông Ba, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm

Đền Đông Ba được khởi dựng sớm và đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần trùng tu gần nhất vào năm 1977.  Kiến trúc của đền vẫn bảo tồn được dáng vẻ cổ kính của một công trình kiến trúc tôn giáo cổ. Từ ngoài vào các công trình kiến trúc của được bố cục như sau: Phía ngoài cùng là Nghi môn được xây dựng khá đơn giản, hai bên xây hai trụ, đỉnh trụ đắp hình trái giành, thân trụ bổ khung ghi câu đối. Qua Nghi môn là một sân nhỏ, phía trước có vườn cây xanh và một bức bình phong kiểu cuốn thư. Cuối cùng là ngôi đền chính, kết cấu mặt bằng kiến trúc kiểu “Tiền nhị hậu đinh”. Khu kiến trúc chính được quy hoạch tập trung và do các nếp nhà ngang dọc tạo thành. Nhà Tiền tế gồm ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Tòa Trung tế được xây nối liền với tiền đường và có kích thước, kiểu dáng tương tự nhà Tiền tế. Hậu cung gồm một gian chạy dọc nối liền với gian giữa nhà Trung tế. Ngoài kiến trúc của ngôi đền chính còn có một dãy nhà bốn gian được bố trí về phía trước bên phải Tiền tế dùng để làm nơi tiếp khách. Bên trong các bộ phận kiến trúc là cả một hệ thống di vật như: hoành phi, câu đối, hương án… được chạm nổi với các đề tài hoa, lá, thực vật, rồng lá và được sơn son thiếp vàng.

Description: D:\NĂM 2022\IN TO ROI PHUC VU SEA GAMES 31\ANH DI TICH\THUONG CAT DONG BA\DONG BA\đền đông ba (4).png
Bên trong đền Đông Ba, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm

Trải qua thăng trầm của lịch sử, di tích đền Đông Ba còn bảo lưu được một bộ di vật như: 01 quả chuông đồng niên hiệu Bảo Đại năm thứ 9 (1934), 01 bức đại tự, 02 câu đối, 03 hương án, 06 long ngai sơn son thiếp vàng, 11 bài vị thờ, 01 bản khắc gỗ niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10 (1935), 01 cuốn “Tam giáo sớ văn”, 01 cuốn “Hương ước thôn Đông Ba xã Thượng Cát”, 08 bát hương sứ men, 01 bộ đỉnh đồng…. đặc biệt là 13 pho tượng lớn nhỏ gồm các loại tượng Nho, Phật, Lão và tượng Mẫu. Ngoài ra đền còn bảo lưu được rất nhiều các đồ thờ tế tự đã gắn bó với tiến trình tồn tại của di tích, là minh chứng về giá trị lịch sử của ngôi đền.

Với những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật, Đền Đông Ba đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 9084/QĐ-UBND ngày 31/12/2002./.

Đỗ Liễu