Chính trị
Giữa những ngày tháng 7 lịch sử - tháng của những hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến hy sinh trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; vừa qua, Đoàn cán bộ, hội viên Cụm thi đua số 2 (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách người có công tại các tỉnh miền Trung nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022). Đoàn do đồng chí Nguyễn Duy Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm, Cụm trưởng Cụm thi đua làm Trưởng đoàn, cùng đi có cán bộ, hội viên trong Cụm thi đua số 2.
Từ Ngã ba Đồng Lộc - Những đóa hoa bất tử!
Điểm đến đầu tiên trong hành trình tri ân của Đoàn là Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc - huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh). Nhắc đến Ngã Ba Đồng Lộc chúng ta nhớ tới tấm gương anh dũng hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong khi họ mới mười tám, đôi mươi. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong không khí kỷ niệm 72 năm ngày Truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2022); 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc, các thành viên trong Đoàn đã thắp nén tâm nhang trước Đài tưởng niệm và trên mộ phần các nữ anh hùng, tưởng nhớ về công lao, sự hy sinh mất mát to lớn của lực lượng thanh niên xung phong nói chung, các nữ Anh hùng thanh niên xung phong tại Nga Ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng. Lần đầu tiên đến với địa danh lịch sử này, lòng mỗi người không nén được sự bồi hồi, xúc động. Giọng thuyết minh của cô gái người Hà Tĩnh lúc trầm bổng, khi sâu lắng như đưa chúng tôi trở về với ký ức tại Ngã ba Đồng Lộc cách đây 50 năm về trước. Là “Yết hầu” của mạch giao thông nối liền "Hậu phương lớn miền Bắc" với "Tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này. Chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây 4.200 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... mỗi m2 ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Sau những đợt bom đạn oanh tạc còn chưa tan khói, những lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) không quản ngại gian khổ, hy sinh lại ào lên để lấp hố bom, dẫn đường cho những chuyến xe chở hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Cũng chính tại nơi Ngã ba huyền thoại này, vào buổi chiều ngày 24/7/1968 đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của mười cô gái thuộc Tiểu đội 4, Tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh. Trong số họ, người trẻ nhất là chị Võ Thị Hà, lúc hy sinh chỉ mới tròn 17 tuổi. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 24 tuổi. Mười đóa hoa bất tử ấy đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc và rồi đã hòa vào lòng đất mẹ, vào trời xanh, mây trắng của mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh anh hùng. Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái TNXP đã được xây dựng khang trang trong quần thể các di tích gồm tượng đài chiến thắng Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Tháp chuông đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Nơi yên nghỉ của các chị nằm dưới hàng thông xanh lộng gió, trong thoang thoảng hương bồ kết, trong ngọt ngào tiếng mẹ ru và trong veo một khoảng trời con gái… Thắp nén hương thơm cùng những nhành hoa trắng tinh khôi lên phần mộ các chị, mỗi người chúng tôi bày tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của những người nữ anh hùng đã làm nên lịch sử, đã trở thành huyền thoại về tinh thần yêu nước, góp phần tô thắm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Tại “miền đất lửa” Quảng Trị
Vượt chặng đường dài hơn 600 km, Đoàn công tác đã có mặt tại Quảng Trị anh hùng, vùng đất từng gánh chịu nhiều đau thương do chiến tranh gây ra. Trên từng tấc đất của Quảng Trị có máu thịt của bao lớp người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 140.000 người có công (19.173 liệt sỹ, 12.125 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 2.833 Mẹ Việt Nam Anh hùng...). Ngoài ra, ở đây còn có 72 Nghĩa trang liệt sỹ, nơi yên nghỉ của hơn 60.000 liệt sỹ - những người con của mọi miền Tổ quốc.

Với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, Đoàn công tác đã trao tặng 35 suất quà, 10 chiếc xe đạp cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Vĩnh Linh - tỉnh Quảng Trị trị giá 25.500.000 đồng. Mong rằng những món quà sẽ góp một phần nhỏ, động viên tinh thần, tạo động lực cho các gia đình phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Thay mặt cho Đảng ủy, HĐND, UBND huyện Vĩnh Linh và các gia đình được tặng quà, đồng chí Trần Nhật Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và hội viên Chữ thập đỏ Cụm thi đua số 2 đã quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ kịp thời tới các gia đình người có công trên huyện nhà, góp phần động viên các gia đình chính sách, người có công ổn định cuộc sống phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Đồng thời bày tỏ mong muốn Hội Chữ thập đỏ các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa, xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa Thủ đô Hà Nội và huyện Vĩnh Linh.

Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn có diện tích 39,8ha nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam. Nơi đây quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đường số 9 là con đường chiến lược nối biên giới Việt - Lào với Đông Hà. Dọc trục Đường số 9, người Mỹ cho xây dựng các căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt nhằm cắt chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn 10.500 Anh hùng, liệt sỹ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ; trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi, có những ngôi mộ tập thể.

Trong không khí trang nghiêm, xúc động bên các Anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Đoàn đã dành phút tưởng niệm, kính cẩn nghiêng mình đặt vòng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sỹ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, niềm tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), đứng soi mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Khung cảnh nơi Thành cổ thật yên tĩnh, thanh bình đến lạ thường, chỉ nghe thấy tiếng chim hót trên những hàng cây xanh rợp mát như chở che cho các anh hùng, liệt sỹ đang yên giấc trong lòng đất mẹ. Không thể tưởng tượng nổi, trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã từng là “túi bom” hứng chịu không biết bao nhiêu vũ khí, đạn dược tối tân hiện đại của kẻ thù và đã ghi danh vào trang sử oanh liệt của Dân tộc Việt Nam. Tại đây, Đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương khu vực Đài tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm, một khúc tráng ca mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn cũng đã thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sỹ trên dòng sông Thạch Hãn, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, với tâm nguyện cầu cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất thị xã Quảng Trị siêu thoát.
Bước chân vào Thành cổ Quảng Trị như đi vào cõi linh thiêng, bởi dưới lớp cỏ non Thành cổ, lòng đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị. Dọc hai bên lối đi là những phiến đá được khắc những câu thơ làm lay động lòng người:
“Hễ có Việt Nam có Cổ Thành
Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất từng giây mỗi lá cành”
hay
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”.
Trên quê hương Quảng Bình
Mảnh đất Quảng Bình bên dòng sông Nhật Lệ, nơi gắn liền tên tuổi của nữ Anh hùng lao động trong chiến tranh Việt Nam Mẹ Suốt, người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua con sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967. Tại đây, Đoàn thăm dâng hương, dâng hoa tỏ lòng biết ơn trước tượng đài Mẹ Suốt.

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, Đoàn công tác đã về vùng đất bình yên Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng.
Xúc động dâng nén tâm nhang, Đoàn kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng, người đã trọn đời vì nước, vì dân theo tư tưởng của Bác Hồ. Trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật cầm quân, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại âm mưu và thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.
Về với Nghệ An - quê Bác
Tiếp nối hành trình tri ân, Đoàn công tác đã về dâng hoa, dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương; tưởng niệm 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó, có 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968.Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn gần 19.000 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của ta, biến nơi đây thành một “tọa độ lửa”.
Tại Khu Di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), nơi lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không khí thiêng liêng, thành kính, đồng chí Nguyễn Duy Tuấn cùng đoàn đại biểu đã dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và lòng kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Tại Nhà tưởng niệm Bác, các thành viên trong Đoàn đều bồi hồi, xúc động dâng hương tưởng nhớ về Bác kính yêu, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao trời biển của Người. Mỗi đồng chí đều nguyện hứa với Bác sẽ thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và lan tỏa những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam.
Cũng tại đây, Đoàn đã trao tặng 20 suất quà và 10 chiếc xe đạp cho các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên vượt khó trong học tập trị giá 25.000.000 đồng.
Hành trình tri ân của Đoàn cán bộ, hội viên Cụm thi đua số 2 (Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội) tại các tỉnh miền Trung tràn đầy xúc động xen lẫn tự hào trước sự hy sinh to lớn, tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của các Anh hùng liệt sỹ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố khắp đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Máu đào của các chiến sỹ đã nhuốm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Các anh nằm đây giữa lòng đất Mẹ. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng. Tri ân về nguồn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, thể hiện trách nhiệm của những người con hôm nay đối với công lao, sự hy sinh cao đẹp, anh dũng của các Anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng. Mỗi thành viên trong Đoàn nguyện hứa với lòng mình sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sỹ./.
Hữu Nam