An ninh quốc phòng An ninh quốc phòng

Quận Bắc Từ Liêm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn
Publish date 28/09/2022 | 14:37  | View Count: 802

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Gần đây, trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, đặc biệt những ngày tháng 8 vừa qua, vụ cháy quán Karaoke xảy ra tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã làm ba chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ai cũng thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) là một trong những công tác vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ bảo vệ tài sản và tính mạng của Nhân dân.

Bắc Từ Liêm là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chợ dân sinh… đang tiếp tục được đầu tư xây dựng và mở rộng. Theo thống kê của Công an quận Bắc Từ Liêm, số lượng cơ sở cần quản lý về phòng cháy trên địa bàn lớn, đa dạng nhiều loại hình cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, giao thông đi lại khó khăn: Tổng số cơ sở cần quản lý thuộc các phụ lục theo Nghị định 136/NĐ-CP của Chính phủ: Phụ lục 1 là 5.960 cơ sở; phụ lục 2 là 296 cơ sở; phụ lục 3 là 522 cơ sở; phụ lục 4 là 5.438 cơ sở.

 

Cùng với đó, nhu cầu sử dụng điện, khí hoá lỏng, các chất cháy ngày càng tăng. Đặc biệt, dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài, việc thực hiện bảo đảm điều kiện an toàn PCCC tại đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở bị gián đoạn, không thường xuyên. Khi trở lại trạng thái bình thường mới, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại sẽ chủ yếu tập trung vào sản xuất, lơ là việc thực hiện các giải pháp về PCCC; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, CNCH còn nhiều bất cập, lạc hậu. Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và một bộ phận Nhân dân chưa cao, tính chủ quan còn phổ biến. Phong trào toàn dân tham gia PCCC ở nhiều nơi chưa được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên; lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và phương tiện, dụng cụ chữa cháy thiếu chưa đáp ứng với yêu cầu. Theo thống kê, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn đã xảy ra 27 vụ cháy, 68 sự cố cháy thiệt hại hơn 41 triệu đồng; cứu hộ cứu nạn 7 vụ.

Với định hướng phát triển Quận thành một đô thị công nghiệp thì việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, trụ sở nhà nước, khu dân cư, nhà cao tầng,... phải luôn luôn được quan tâm chú trọng. Chính vì vậy để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Quận, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn Quận, Ban Thường vụ Quận ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ Quận tới cơ sở: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác PCCC, CHCN. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quận. Lấy các vụ việc cháy, nổ đã xảy ra thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn quận Cầu Giấy và các địa phương khác là bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác PCCC, CHCN đối với quận Bắc Từ Liêm. Quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, Thành phố, Quận về công tác phòng cháy, chữa cháy như: Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015, Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 19/11/2014, Kế hoạch số 174-KH/TU ngày 28/9/2015, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/8/2018 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, Chỉ thị số 26-CT/QU ngày 8/1/2016 của Quận ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm”, Kế hoạch số 160-KH/QU ngày 26/11/2018 của Quận ủy về “Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/QU ngày 31/10/2018 của Thành ủy về “Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các hội đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội”…

Quận ủy giao Ban Tuyên giáo Quận ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn Đảng bộ, các tổ chức, doanh nghiệp, trường học và Nhân dân về các quy định về công tác PCCC, CNCH, Luật phòng cháy, chữa cháy… qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành và tích cực tham gia trong công tác PCCC, CNCH của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn.

Giao UBND Quận chỉ đạo Công an, các ngành của Quận và UBND các phường: Chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để có biện pháp, phương án đảm bảo công tác phòng ngừa cháy, nổ trên địa bàn Quận. Kịp thời bố trí lực lượng, triển khai nghiệp vụ để xử lý khi có vụ việc cháy, nổ xảy ra với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực hành phương án xử lý khi phát sinh các vụ việc về cháy, bổ cho các đối tượng tham gia công tác PCCC, CNCH từ Quận tới cơ sở, tổ dân phố và Nhân dân trên địa bàn để nâng cao nghiệp vụ trong công tác PCCC, CNCH. Tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra các khu nhà ở, chung cư cao tầng, khu đô thị, khu đông dân cư, bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh xăng, dầu, giải trí (quán karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm vui chơi, giải trí…) nhà hàng, khách sạn, khu nhà trọ, nhà kho, nhà xưởng, đình, chùa, các trụ sở cơ quan… có nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đảm bảo các quy định về công tác PCCC, CNCH. Theo thẩm quyền các cơ quan của Quận trong quá trình thẩm tra, thẩm định, cho ý kiến về các quy hoạch, đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng… yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác PCCC, CNCH. Tổ chức kiểm tra, xử lý, giải tỏa các công trình, vật kiến trúc, cọc, bục, barie, mái che, mái vẩy… không đúng quy định, gây cản trở công tác PCCC, CNCH trên các tuyến đường, tuyến phố và trong các tòa nhà trên địa bàn Quận. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các trang thiết bị, vật tư, vật dụng, kinh phí đảm bảo cho công tác PCCC, CNCH.

Ủy ban MTTQ và các hội đoàn thể chính trị - xã hội từ Quận đến cơ sở phát huy vai trò trong công tác giám sát thực hiện công tác PCCC, CNCH; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tự giác chấp hành pháp luật và tích cực tham gia công tác PCCC, CNCH; gắn việc thực hiện các quy định về công tác PCCC, CNCH với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Nguyễn Hảo