du lịch bắc từ liêm du lịch bắc từ liêm

Chuông đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc là bảo vật quốc gia
Ngày đăng 26/05/2020 | 08:57  | Lượt xem: 625

Ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 88/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với 27 hiện vật và nhóm hiện vật trên toàn quốc. Trong đó có quả chuông tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm có niên đại năm 948 (Thế kỷ X). Theo bản minh văn được khắc trên thân chuông đã giúp tái hiện lại một phần đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của Việt Nam dưới thời Tiền Ngô (Ngô Quyền).

Quả chuông tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Chuông Nhật Tảo được đúc theo lối thượng thu hạ thách (trên thon, dưới nở). Quai chuông đúc nổi đôi thú (giống như Ly Thủ) đấu lưng vào nhau, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Thú có đầu to, mắt lồi, hai sừng thẳng, bờm ôm sát đầu, thân có vảy, hai chân và miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông tạo thế vững chắc cho quai chuông. Chỏm quai tạo hình núm tròn dẹt nhô lên nhưng không phải là hồ lô như trên các quai chuông sau này. Đỉnh chuông bằng, vai xuôi, thân hình trụ, miệng loe có gờ, thành chuông dày. Thân chuông được phân cách bởi 05 đường đúc nổi ngang dọc, tạo thành 08 ô, phần trên là 04 ô hình thang đứng, phần dưới là 04 ô hình chữ nhật. Nằm giữa 05 đường đúc nổi nêu trên là 04 núm gõ (để đánh chuông), núm tròn tạo hình bông hoa nở, xung quanh có 12 cánh hoa. Phần trên của mặt ngoài chuông khắc chìm chữ Hán theo lối chữ chân, còn khá rõ phủ kín cả 04 ô hình thang và khoảng trống giữa những đường đúc dọc.

Dịch nghĩa nội dung trên chuông:

Thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ, vào ngày 29 tháng Tư năm Mậu Thân niên hiệu Càn Hòa thứ 6 (tức ngày 29 tháng 6 năm 948), các đệ tử Vô pháp môn là đô xã chủ đại đức Đỗ Pháp Dao, xã phó Kim Huyền Ký, xã phán quan Lý Đạo Vinh, xã vụ Lý Huyền Tháo, đô giám Trần Huyền Đàm, lục sự Trần Pháp Tuyên, Trần Tiên Cao, cao công Đỗ Pháp Tính, Lý Khả Đạo, áp nha Lý Tề Cổ, Lý Thủ Sơ, Đại Đức Đỗ Tiên Liêu, Ngu Tiên Hựu, Lý Tiên Thọ, Trần Khả Lôi, Ngu Tiên Hữu, Phùng Thừa Tư, Trần Ngạn Ung, Lý Thiệu Vị, Phí Khuông Nhân… thuộc hai phái Đạo giáo và Nho giáo, từ trong năm Giáp Thìn (tức năm 944) đã chung nhau góp tiền vẽ một bức tranh Thái Thượng tam tôn. Chưa đến năm, lại làm 06 chiếc phướn báu thứ quan, xong, làm cỗ chay mừng hoàn tất. Nay cùng đưa ra việc mua một quả chuông báu, nặng 15 cân, để cúng dàng mãi mãi. Nhưng bọn Đỗ Pháp Dao kính cẩn tu theo đại pháp của trời đất, để báo đáp tứ ân tam hữu, đều được lợi ích. Xin cho chúng nhân một hội, mang lục căn tam diệp, muôn vàn lỗi lầm, tắm gội duyên lành này, đều hy vọng được trường cửu. Chay mừng xong, ghi lại.

c455ba1ed25d3b03624c.jpg
Đại diện các cụ trong Tiểu Ban quản lý di tích đình Nhật Tảo

Chuông có bản minh văn rất cụ thể, là nguồn sử liệu chân thực, ý nghĩa đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu xã hội người Việt thời tự chủ. Hơn thế nữa, quả chuông và minh văn năm 948 là sử liệu vô cùng quan trọng và quý giá, giúp chúng ta tìm hiểu nhiều vấn đề lịch sử làng xã, tôn giáo, đặc biệt là Đạo giáo trong đời sống tâm linh của người Việt ở thế kỷ X. Cũng qua bài minh, cho chúng ta biết đây là tài liệu hiện vật đầu tiên và duy nhất được biết cho tới nay thể hiện mối quan hệ song hành giữa Đạo giáo và Phật giáo, làm cơ sở cho sự hình thành tư tưởng Đạo - Phật - Nho cùng đồng hành trong đời sống tâm linh của người Việt vào thời Lý - Trần.

Minh văn trên quả chuông còn cho chúng ta biết đến một tổ chức hành chính xã - thôn - huyện xuất hiện ở nước ta khá sớm, cùng với đó là những chức danh Đạo giáo ở nước ta vào thế kỷ thứ X.

          Chuông Nhật Tảo là một cổ vật vô giá của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Chuông đã được giới thiệu trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa, lịch sử ở Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu đã nói trên, Chuông Nhật Tảo xứng đáng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia./.

Phòng Văn hóa và Thông tin