Corona Corona

Thành tựu 5 năm 2015-2020 của thành phố Hà Nội: Vị thế mới, mở tương lai mới
Ngày đăng 28/09/2020 | 14:18  | Lượt xem: 346

Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới. Nhìn lại 5 năm qua, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật, giúp Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế Thủ đô, tạo động lực vững vàng bước tới tương lai. Tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: "Thành tựu 5 năm 2015-2020 của thành phố Hà Nội: Vị thế mới, mở tương lai mới", phản ánh những đổi thay rõ nét và sự phát triển vượt bậc của Hà Nội 5 năm qua, từ đó củng cố thêm niềm tin về con đường đi lên của Thủ đô.

Dấu ấn đổi mới phương thức lãnh đạo

Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã để lại dấu ấn đậm nét về đổi mới phương thức lãnh đạo, đem lại hiệu quả thiết thực, kể cả trong lúc khó khăn nhất. Kết quả đổi mới đó đã lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị, được các cơ quan trung ương và người dân ghi nhận.

Toàn diện, có trọng tâm trọng điểm

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Hà Nội chống dịch Covid-19 rất quyết liệt, có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm”. Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhìn nhận: “Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh sức bền của kinh tế Thủ đô”.

Kết quả và đánh giá trên chỉ là một trong những việc Hà Nội đã, đang làm tốt và bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Thành ủy Hà Nội. 5 năm qua, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn chủ động quán triệt và gương mẫu đi đầu thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc. Theo đó, các nội dung bàn bạc trong hội nghị được thảo luận dân chủ, thẳng thắn, tập trung, thể hiện trách nhiệm và trí tuệ của tập thể; các vấn đề được kết luận rõ ràng, những nội dung quan trọng được văn bản hóa kịp thời để chỉ đạo triển khai thực hiện. Đặc biệt, quá trình triển khai một số chủ trương lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ qua đều được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy bàn bạc, phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng, không nóng vội, chủ quan. Đối với những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ, việc có tác động, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng đều được tổ chức triển khai thực hiện bài bản, khoa học, có lộ trình, phương thức, bước đi phù hợp.

Thành ủy Hà Nội chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, vừa phù hợp với quy định mới của Trung ương, vừa phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố; đồng thời chỉ đạo ban hành các quy chế, quy định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thực hiện từ thành phố đến cơ sở. Trong nhiệm kỳ, Thành ủy đã lựa chọn, thực hiện 8 chương trình công tác lớn toàn khóa để cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố với các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đột xuất, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo; vừa lãnh đạo toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn trúng và đúng những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Lãnh đạo thành phố còn chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh. Đáng chú ý, các cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, có tính đột phá để tập trung lãnh đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, đây là số lượng nghị quyết chuyên đề lớn nhất trong nhiều nhiệm kỳ gần đây.

Đặc biệt, với nhiều vấn đề lớn, Ban Thường vụ Thành ủy đều có chủ động ban hành nghị quyết để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ. Điển hình như ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị 31-CT/TU ngày 3-4-2020 về thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, vừa duy trì và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Cẩn trọng, chắc chắn, giữ vững đoàn kết

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Hà Nội rất chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính ở tất cả các khâu. Tính đến ngày 31-8, tổng số thủ tục hành chính đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của thành phố là 1.720; tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của thành phố đang cung cấp là 1.671/1.720 thủ tục (bao gồm các dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỷ lệ 97%.

Thành phố đã tăng cường giao ban trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; cải tiến, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác tháng, quý, năm; nâng cao chất lượng nội dung văn bản ban hành. Hà Nội luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân, báo chí và dư luận xã hội phản ánh; thực hiện tiếp nhận các thông tin, báo cáo bằng thư điện tử, triển khai vận hành đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhân dân để kịp thời chỉ đạo xử lý. Thành phố còn chủ động tăng cường các hoạt động đối thoại trực tiếp thông qua các buổi làm việc tại cơ sở nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề dân sinh bức xúc, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhiệm kỳ 2015-2020, dấu ấn ấn tượng không thể không nhắc đến là Thành ủy đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức trước khi thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo quy định. Vì thế, việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ của thành phố vừa qua đã đạt được hiệu quả toàn diện và được Trung ương, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở, Thành ủy và các cấp ủy Đảng thực hiện đúng nguyên tắc, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, tạo bầu không khí đồng thuận, triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Hà Nội còn tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới, qua đó mở ra nhiều cơ hội, triển vọng hợp tác, đầu tư phát triển và trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý. Thành phố cũng chú trọng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Những đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra; trong 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch có 3 chỉ tiêu là tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo hoàn thành sớm 2 năm. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ thành phố tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.

(Nguồn: Báo Hànộimới điện tử)