PHÁP LUẬT PHÁP LUẬT

Phường Xuân Tảo tuyên truyền Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật tiếp cận thông tin
Ngày đăng 20/12/2018 | 11:36  | Lượt xem: 5339

(BTLP) Nhằm triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật tiếp cận thông tin đến cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường. Sáng ngày 12/7, UBND phường Xuân Tảo đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật tiếp cận thông tin. Dự buổi Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ phường; cán bộ các hội, đoàn thể phường và các ông/bà là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố.    

Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phổ biến

Tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã giới thiệu nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là một trong những bộ luật hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của lực lượng công an. Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, gồm 26 Chương, 426 Điều (tăng 02 Chương và 72 Điều so với Bộ luật hình sự năm 1999); Luật quy định về 14 nhóm tội phạm cụ thể. Đáng chú ý, một số điểm mới như: Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình. Theo đó, hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ; Cản trở không cho ly hôn có thể bị phạt tù đến 3 năm (Điều 181); Sa thải lao động nữ đang mang thai trái luật bị phạt tù đến 3 năm (Điều 162); Trốn đóng bảo hiểm xã hội, có thể bị phạt 7 năm tù (Điều 216); Xử lý hình sự với pháp nhân (Điều 76) quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê. Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại;…   

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn được hướng dẫn Luật tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin. Theo đó, Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 tại kỳ họp thứ 11. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018; Luật gồm 5 chương, 37 điều quy định về việc thực hiên quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra trừ trường hợp thông tin công dân không được tiếp cận. Đối với trường hợp thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Riêng đối với UBND cấp xã thì bên cạnh cung cấp thông tin do mình tạo ra còn cung cấp thông tin do mình nhận được.

Thông qua Hội nghị giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần đưa Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Luật tiếp cận thông tin tới nhân dân của phường Xuân Tảo đi vào cuộc sống hiệu quả, từ đó Nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt pháp luật./.

 Tin - ảnh: Trần Dưỡng - Trọng Toàn